Tạo hóa phân chia giới tính, con người lựa chọn yêu thương

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

có nhiều cách để bước ra khỏi tình-yêu

hồi lâu tôi có đọc trên diễn đàn nọ một topic hỏi ý kiến của một chị, như vầy :

Mình sinh năm 72 và bạn mình sinh năm 88 ,she và mình rất thương nhau
Mình sống tự lập đã lâu và đã come out với gia đình,còn bạn mình she vẫn chưa come out
Mình suy nghĩ rất nhiều vì sự chênh lệch tuổi tác và ba mẹ she chỉ lớn hơn mình vài tuổi
Nếu đến với nhau mình muốn công khai mối quan hệ chứ không che giấu,mình tỏ ra lạnh lùng và làm tổn thương she rất nhiều, để she buông tay,nhưng she càng thương mình có lẽ she biết mình cố ý làm vậy, she tự làm tổn thương bản thân và mình càng đau lòng hơn khi thấy she như vậy
Từ lúc mình biết được mình là ai,mình sống theo lý trí rất nhiều , mình không quen ai chỉ sống 1 mình, mình sợ mình tổn thương và gay tổn thương cho người khác,giờ mình không biết nên dũng cảm đối đầu hay là nên dừng lại
Mong các bạn giúp mình ,cho mình một lời khuyên 

trong những ý kiển đồng tình (của người ngoài 30) và phản đối(của người trẻ) tôi thấy một bạn nick là tianangvatveo có lời góp ý rất hay (dù lẽ ra, theo tôi thỉ em ấy nên gọi là chị, vì bằng tuổi người yêu của chỉ mà kêu chỉ bằng cô, càng khiến chỉ ngại và quyết tâm dừng lại) : 

cô ơi cô, honey của cô bằng tuổi cháu đó. chắc cậu ấy phải yêu cô rất nhiều mới đau đớn đến vậy.

cũng là một người phụ nữ trưởng thành , c nghĩ thế này về hạnh phúc nhé:

- chỉ cần người cô yêu còn ở đây, trong trái tim cô, và cô cũng ở đây, trong trái tim người ấy, thì cô đã là người hạnh phúc và may mắn nhất , cả người đó cũng vậy. thế giới có biết đến tình yêu của 2 người không ? không quan trọng . thế giới có chấp nhận, cổ vũ tình yêu của 2 ngưòi không ? không quan trọng. quan trọng là cô biết đến và người cô yêu biết đến, quan trọng là cô luôn cổ vũ ở bên người cô yêu, và người đó cũng làm như vậy.

- cô sợ người đó đau khổ ư ? hãy đừng bao giờ buông tay người đó trừ khi nguời đó muốn như vậy.

- cô không thích bí mật yêu người đó ư, hãy viết lên ở tất cả những chặng đường trên trái đất này, lên tất cả những phiến đá của hành tinh này là cô yêu người ấy

- cuối cùng, nếu cô thực sự yêu người đó , ko có gì là quan trọng, quan trọng nhất là người đó, không có gì là không làm đc, miễn đó là thứ khiến người đó bình yên. ba mẹ người đó phải giấu ? ok, sẽ giữ kín tình yêu của 2 nguời. tât cả chỉ vì người đó, cho người đó, dâng tặng người đó. 

ấy là tình yêu ! 

nhưng khi nghe một người trẻ nói, tôi vào xem thì chị đó đã quyết định thế này: 

"mình đã dừng lại, lúc này thật sự rất khó khăn nhưng sẽ tốt cho sau này ,cám ơn các bạn rất nhiều." 

hơi muộn, nhưng tôi vẫn viết lên suy nghĩ của mình như vầy :

xem nào, chị hơn cô gái ấy 16t. vậy mà đã vội cho rằng chênh lệch? tôi biết có trường hợp còn cách xa tuổi hơn nhiều.

chị nói rằng chị yêu cô gái trẻ? ồ không, chị yêu bản thân chị nhiều thì đúng hơn. đến độ, không bỏ qua được chuyện chênh lệch đó, chú trọng hơn việc COME-OUT. Ồ, tôi không hiểu sao chuyện dán nhãn đóng mộc lên người lại quan trọng với một số người đến vậy. chuyện khác biệt giữa việc yêu người đồng giới với nhân sinh trong cõi người này chẳng phải chỉ là việc bên trong căn phòng kín đó sao? tại sao cứ phải mang chuyện bên trong căn phòng đó mang ra chứng tỏ. Chẳng phải chị đã được gia đình chị thừa nhận? vậy thì cớ gì nhất quyết bắt cả cô gái sinh năm 88 COME-OUT? đồng ý rằng bản thân là một nền tảng cần giữ cho bền vững, để khi người trẻ rời đi vẫn có thể mỉm cười bình thản. nhưng nhìn chị kìa, chị đang đơn phương tự cho mình quyền quyết định mọi thứ trong tình-yêu-mà-chị-gọi-là. cảm giác của cô gái đó chị đặt ở đâu? xin lỗi, chị vẫn chỉ là một-người-lớn-về-mặt-sống-lâu, chớ chưa thực sự là một người trưởng thành.


nếu thực sự sợ khoảng cách tuổi tác đến vậy, sao không ngay từ đầu chị không giữ khoảng cách? sao ngay từ đầu đừng để cô ấy bước vào thế giới yêu thương của mình. Tại sao lúc chưa kịp yêu ấy chị không để lý trí mình thức tỉnh đi, sao đợi đến khi cô gái trẻ yêu thật yêu thì chị mới sực tỉnh? tôi tự hỏi, tuổi trẻ chị đã bao giờ bị một người lớn hơn thế hệ làm tổn thương chưa, sao chị không hiểu một quy tắc mà một nửa người trưởng thành đều phải hiểu, rằng không nên làm tổn thương tuổi trẻ. tôi nói thật, nếu tôi là bạn của cô gái trẻ ấy, tôi sẽ khuyên cô ấy một điều, đừng nên tiếc, và nhớ về một người quá đỗi ích kỷ như chị. sau khi đạt được, chạm vào tình yêu của một cô gái trẻ, thì lại sực tỉnh cơn mê.


có nhiều cách để bước ra khỏi tình-yêu-mà-mình-nhận-ra-không-thỏa-mãn-cái-tôi-ích-kỷ, không nhất thiết phải làm tổn thương tuổi trẻ. thì đồng ý rằng, độc ác đôi khi là liều thuốc mạnh nhứt để tình yêu chết đi, nhưng còn có nhiều cách để cho tình-yêu-từ-phía-người-còn-trong-cơn-mê chết đi. chẳng hạn như sự hờ hững, sự nguội lạnh, sự mệt mỏi, sự vô tâm, sự buông thả bê bối. có biết bao cách tự làm mình xấu đi trong mắt người đối diện, để người ta nản, để người ta buồn, để người ta chán.... hay chị không đủ dũng cảm để hình ảnh mình tệ đi? hay chị vẫn muốn chấm dứt nhưng đồng thời vẫn muốn mình là tượng đài trong trái tim người trẻ ấy?


tôi nhỏ hơn chị 4 tuổi. tôi cũng từng có người yêu hơn mình 13 tuổi và nhỏ hơn mình nhiều tuổi. tôi hiểu cả cảm giác ở cả hai phía. tôi chỉ muốn chị đừng làm tổn thương tuổi trẻ trước khi quá muộn. lỡ như đó là một cô gái yếu đuối, yêu chị quá đỗi, nên sinh ra ý định dại khờ, thì chị có gánh nổi cả kiếp này sống trong ân hận không? (ồ, tôi mong rằng cô bé tuổi Thìn ấy không quá đỗi yếu đuối mong manh thế)


tôi chỉ buồn cười cho những con người vì chính bản thân mình, nhưng lại luôn có những bào chữa cho hành động nhất thời của mình bằng những ngụy tạo rằng là vì người yêu dấu.


P/S : tôi chỉ hy vọng cô gái 88 đó đã vượt qua được rào-cản-từ-chính-người-yêu-thương. nếu em vẫn chưa nguôi thì hy vọng em đọc được mấy câu của tôi.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

ở Nga

Luật chống người đồng tính ở Nga có thể tác động đến khách du lịch

anti gay russian 1
Khách du lịch có kế hoạch tới Nga đang được cảnh báo rằng họ có thể bị phạt tiền, bị bỏ tù hoặc thậm chí trục xuất khỏi đất nước do pháp luật mới về chống người đồng tính tại Quốc gia này (luật chống người đồng tính). Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký điều luật mới này và có hiệu lực từ đầu tháng với mục đích trừng phạt những hội “tuyên truyền đồng tính” nhưng các nhà phê bình cho rằng dự luật là quá mơ hồ nó có thể gây rắc rối cho nhiều người dân địa phương và khách du lịch đồng tính.

anti gay russian 1
Người đồng tính biểu tình Luật chống người đồng tính ở Nga.
Pháp luật mới làm tăng thêm tính bất hợp pháp cho bất cứ ai đang sinh sống ở Nga và công khai thừa nhận rằng họ là người đồng tính hoặc thực hiện bất kỳ cử chỉ có thể gợi ý tình dục, chẳng hạn như mặc trang phục cầu vồng (7 màu), nắm tay hoặc hôn người cùng giới tính.
anti gay russian 
Người đồng tính ở Nga bị bắt.
Du khách đến đất nước này cũng không được ngoại lệ đối với điều luật mới về chống người đồng tính hà khắc này. Khách du lịch đồng tính, hoặc ủng hộ người đồng tính sẽ bị tạm giam từ một đến hai tuần. Du khách đồng tính cũng có thể bị trục xuất khỏi đất nước nếu thể hiện tính cách đồng tính luyến ái của họ.

nguồn

một bài khác

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Dolce & Gabbana

: Song Hiệp Lưỡng Tính

 (copy từ blog của hoa-nhài-đen Trác Thúy Miêu

Phụ nữ tôn sùng họ, cánh đàn ông thời thượng trọng vọng tên tuổi họ, dân gay ca tụng họ như những nhà cách mạng đồng tính tiên phong và thành đạt, còn nhà báo nữ Carrie Bradshaw trong Sex And The City chỉ vì một bộ Dolce&Gabbana mà chấp nhận cuộc rủi may lộn nhào trên runway New York.
Một fashionista/fashionisto sành điệu và các phim dòng romance ướt át đã từ lâu không còn nhắc đến Romeo & Juliette, mà thay vào là tên tuổi cặp đôi huyền thoại thời đại ái tình phi giới tính Dolce & Gabbana.

Các tín đồ ngớ ngẩn mới nhập môn sẽ có thể hỏi “Dolce và Gabbana là gay à?” và sẽ được trả lời “Không, họ là những người đàn ông sống với nhau!”
Cuộc Bắc tiến của gã giang hồ Siciliano

Họ mang lại cho quý bà những thiết kế hoa lệ và tình tứ, cho quý ông những bộ sưu tập sắc sảo với kỹ thuật cắt may siêu hạng, và những dòng nước hoa bất hủ có mùi như một thứ mê hồn tửu đầy quyền năng. Tất cả đều thượng thặng, xa xỉ, nửa lòe loẹt nửa chân phương kinh điển đặc sệt phong vị thẩm mỹ miền Nam nước Ý.

Sicily, với văn hóa Địa Trung Hải, tinh thần cinema duy thực kiểu Visconti và Madonna chính là những nguồn ảnh hưởng thấm đẫm trong phong cách của Dolce & Gabbana. Bản thân Dolce là một Siciliano chính hiệu, và Gabbana cũng có một tình cảm đặc biệt dành cho đảo này từ khi họ mới gặp nhau hồi đầu những năm 1980. Tinh thần Sicile hòa nhất họ với nhau và trở thành một thánh địa thiêng liêng của hai tay thực tập sinh tại một nhà thời trang ở Milan lúc bấy giờ.

Dolce sinh năm 1958 tại Polizzi Generosa, gần thủ phủ Palermo của Sicily. 4 năm sau đó, tại Venice, trong khi thế giới ngoài kia còn đang đảo điên với những chiếc váy ngắn đầu tiên của lịch sử thời trang, Stefano Gabbana ra đời. Dolce theo học thiết kế thời trang và làm việc cho một xưởng may nhỏ của gia đình, trong khi Gabbana theo học thiết kế đồ họa tại Milan. Đây cũng là thời đại phát của trào lưu hippy, văn hóa hiện sinh, sơ-mi chim cò, kính to bản, và những bảng màu chói lọi còn ghi dấu sâu sắc trong các thiết kế của Dolce&Gabbana cho đến tận mùa tuần lễ thời trang Milan mới đây.

Dolce, với quyết tâm vùng thoát khỏi những vòng quay đều đặn của những chiếc máy may hãng thợ tỉnh lẻ, đã tiến hành cuộc Bắc tiến về thánh địa thời trang Milan, nơi cuộc gặp gỡ định mệnh với Stefano Gabbana được phần số sắp sẵn tại một tiệm thời trang nhỏ. Họ gặp nhau, chóng vánh yêu, khởi sự cho một thiên tình sử đồng tính kéo dài hai thập niên.


Năm 1982, Dolce và Gabbana quyết định rời bỏ hãng thời trang cả hai đang cùng làm việc để bắt đầu những lựa chọn sự nghiệp mới. Họ cùng chia sẻ một phòng làm việc, và cùng chia sẻ cuộc đời với nhau từ đấy, làm nền tảng cho suốt nửa cuộc đời về sau. 18 tháng sau, hạt mầm chung được gieo xuống, ấp ủ cho cả thế giới thời trang về sau một cặp đôi quyền lực dưới thương hiệu đơn giản của lòng kiêu hãnh và tình yêu: Dolce & Gabbana.

Ngay lập tức, họ được tổ chức thời trang quốc gia Camera Nazionale ghi nhận như những tài năng trẻ đầy triển vọng và được mời tham dự tuần lễ thời trang Milan với bộ sưu tập mang tên “Real Woman”.

Cặp đôi bất bại

Những thiết kế đầu tay của Dolce và Gabbana đã chớm thể hiện xu hướng tự do về cấu trúc, với những dây buộc, khóa cài nhì nhoằng khắp nơi. Sự “bất thường” hợp thời và trội bật này ngay lập tức lôi kéo được sự chú ý của nội giới thời trang Ý. Tất cả từng thiết kế đều được thực hiện thủ công với lực lượng trợ thủ tinh nhuệ của xưởng may nhà họ Dolce.

Cả nước Ý lập tức phát sốt, và giới thời trang nín thở chờ đợi những gì mà cặp đôi tài năng trẻ hứa hẹn sẽ hoành hành toàn cảnh thời trang không chỉ ở tầm độ quốc gia. Điểm tựa đầu tiên ấy đã cho Dolce và Gabbana một lực bẩy khổng lồ, đủ để liên tục rải thảm thị trường với không chỉ các bộ sưu tập thời trang, mà cả các dòng trợ lực kinh tế hữu hiệu với nam phục, thời trang biển, nội y, và nước hoa chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Và người ta không hề ngạc nhiên khi chỉ đến 1989, cửa tiệm đầu tiên tại Tokyo của họ đã được khai trương, đánh dấu cuộc bành trướng đã tham lam tràn đến “lỗ đen mua sắm” Á-châu.

Năm 1987, lấy cảm hứng từ thẩm mỹ cine thập niên 40, 50 của miền nam nước Ý, Dolce và Gabbana ra mắt bộ sưu tập gồm những chiếc chân váy phồng xòe, những vòng eo thít nhỏ, áo khoác viền ren, và những chiếc khăn shawl đan móc theo kiểu phụ nữ Sicile. Một phong cách đặc quánh khí chất đại tẩu giang hồ Ý, đan xen với những nét hoài cổ trầm mặc của các họa tiết tôn giáo, những chi tiết đính cườm đỏm dáng, những chiếc váy đen nhỏ, khăn trùm đầu, và cả những chiếc rổ đan mộc mạc chân quê, như một cách phô diễn ý nhị tinh hoa tuyệt nghệ của các nghệ nhân thủ công miền Nam nước Ý – một tố chất không thể thiếu của những thủ phủ haute couture. Từng thiết kế trong bộ sưu tập đều hiển hiện rõ rệt hình ảnh phồn thực của hai “lệnh bà” đầy chất ciné Ý: Sophia Loren và Anna Magnami – thứ dục tình ma mị được phô trương tràn trề ngạo mạn và nồng sực hơi ấm da thịt đàn bà, đủ ấm để lây lan những giọt mồ hôi túa vã phía sau mọi ống kính của báo giới.

Cứ thế, họ là tình nhân và chiến hữu trong suốt gần 2 thập niên huy hoàng. Cơn say tình chóng vánh đã không chỉ là một trò tìm bạn trớ trêu chóng vánh như người ta vẫn nghĩ về những người đàn ông tìm nhau. Họ sành điệu và tài hoa như những quí ông hoàn hảo, và họ công khai mối quan hệ một cách kiêu hãnh, đầy thách thức và sặc mùi lãng mạn đàn ông.

Bảng màu lập thể của thời trang lưỡng tính
“Túp lều tranh” của cặp đôi vàng này là tòa dinh thự mang tên Villa Volpe, được xây từ thế kỷ 19 nằm ngay trung tâm Milan, vốn vẫn là đề tài bàn tán của báo giới. Người ta tán rằng ngôi nhà của họ có một phòng bếp tráng lệ, phòng vẽ dán nhì nhoằng họa tiết da beo, những chiếc ghế đẩu cũng bọc da beo lốm đốm, lót thảm bằng nhung tơ và ở khắp nơi là những cây nến to sụ như trong nhà thờ – một thứ phô trương màu mè đến chói chang của dòng máu Ý thuần chủng, pha với thói đỏm dáng làm quá của thẩm mỹ đồng tính. Họ không để phí một ngày nào của việc hưởng thụ lạc thú xa xỉ!

Dù nổi tiếng là hai tên tuổi sùng bái màu đen trong thiết kế, lấy cảm hứng từ bộ dạng hắc y toàn tập của giới gangsters và các mafioso khét tiếng đảo Sicile, Dolce và Gabbana luôn có những cuộc tung hứng va chạm những màu sắc, bề mặt chất liệu ngẫu hứng và chói mắt “không đỡ nổi”. Trong dinh thự riêng của mình, cả hai bày đặt cả một cuộc đại náo nháo nhào của các nền văn hóa, các trào lưu thẩm mỹ, như thể bỏ tất cả vào một cái máy xay sinh tố rồi bắn tung tóe khắp nơi cái thể thức hợp nhất kì cục lẫn kì thú ấy. Họ tự do tuyệt đối, đến mức tự dung túng bản thân trong không gian sống của mình và cho ra đời những chiến dịch quảng cáo, những thứ tư duy thẩm mỹ mà ngay cả sự hào sảng của dân Ý cũng phải hết hồn và bàn tán râm ran.


Họ trộn lẫn các thời điểm lịch sử, xé nhỏ và lắp ráp hết sức bậy bạ các vùng văn hóa cổ kim lại với nhau, họ tung hê nháo nhào vách ngăn biên giới giữa tủ quần áo quí ông và quí bà. Nhặt nhạnh và lắp ghép, như những thiên tài điên khùng, điều mà họ có được cuối cùng là cái thứ đã trở thành quyền lực thời trang Dolce & Gabanna.

Từ lông thú và váy dài 1990, vải ghép và vải hoa của 1992, quần da beo 1996, và cuối cùng là bộ suit pinstripe cổ điển mặc tròng bên ngoài áo may-ô, các thiết kế thời trang nữ của P&G khỏi phải bàn, rất sexy, nhưng gợi cảm theo kiểu đại nữ thành thị, ít nhiều tính ái nam gồ ghề suồng sã, mà gợi tình đến bất khả cưỡng. Không như điều mà người ta trông đợi ở giới thời trang Ý, Dolce và Gabbana không lệ thuộc vào các mỹ nữ vóc hạc nhan nhản của catwalk thế giới, mà lồ lộ bộ nhũ căng mẩy và những vòng hông phồn thực. Trong một cuộc phỏng vấn với Observer Life, Gabbana cho rằng: “Cơ thể con người, cùng tất cả những gì nó đại diện qua thứ ngôn ngữ rất riêng, là điều rất rất quan trọng của thời trang.”

Thời trang nam của D&G cũng không nằm ngoài công thức thêm thắt tính dục đan xen vào các yếu tố truyền thống của trang phục. Cũng bằng cách mà họ đặt quí bà vào trong những bộ nam phục, Dolce và Gabbana phủ lên các bộ suit kẻ sọc của các tay đại ca đầu gấu cỡ bự một thứ bảng màu hoa quả trái cây, và kết hợp với áo may-ô như nông dân Ý. Có dạo, kiểu này đã khuynh đảo toàn thể cộng đồng gay trên thế giới hồi mùa hè 1995, tạo thành cả một cơn sốt lòe loẹt ở khắp các thành phố lớn trên thế giới.

Trả lời chất vấn của the The Guardian Weekend với luận cứ cho rằng họ thuần túy ủy lạo xu hướng tình dục đồng giới, Dolce bác bỏ một cách ngạo mạn bằng luận điệu đủ để ông được đời đời ghi danh là nhà cách mạng bình đẳng giới: “Điều đó hoàn toàn không liên quan đến giới tính hay xu hướng tình dục. Đó chỉ đơn thuần là những gì chúng tôi có và muốn thể hiện, và còn là những gì thời trang mặc nhiên phản ảnh lại của xu hướng nhu cầu thẩm mỹ của thế giới xung quanh… Con người hình thành xã hội, và xã hội tự thiết lập nên một vách ngăn rạch ròi giữa cái gọi là quần áo dành cho đàn ông và đàn bà, bởi họ muốn tin rằng đàn ông và đàn bà phải rất khác nhau. Sẽ rất thú vị và hoàn toàn lành mạnh nếu người ta có thể tư do tìm kiếm sâu thẳm bên trong chính mình một góc nhỏ luôn tồn tại, trong cái góc nhỏ đó, định kiến không tồn tại, bạn hoàn toàn tự do, và nhận ra mình không chỉ có một giới tính. Thế giới và sự trải nghiệm mở rộng ra khi người ta biết rằng họ có sự lựa chọn lẫn quyền chọn lựa.”


Những đại gia và những minh tinh bị chối từ

Thái độ thừa thãi tự tin và hãnh tiến của cặp đôi Dolce-Gabbana không chỉ dành cho quan điểm về tình dục và giới tính của mình, họ còn được biết đến là những chủ nhân ông bất khả chiến bại hiếm hoi của làng thời trang thế giới, trước xu hướng bành trướng mạnh mẽ của các tập đoàn cá mập thứ dữ. Có thể coi đây là một trường hợp cực kì hiếm hoi của làng thời trang, khi mà các nhà thiết kế trực tiếp điều hành công việc kinh doanh và là chủ nhân ông duy nhất của giá trị thương hiệu, hoàn toàn miễn nhiễm trước mọi sự can thiệp của các thế lực tài chính. Ngoài dòng hàng thời trang nam nữ cao cấp, D&G còn làm chủ dòng White Label Collection nhằm vào thị phần trẻ, được thiết kế cho văn hóa nhạc dance và các club xa xỉ, dòng jeans mang nhãn cộc lốc ‘&.’, cùng la liệt các quả bom thương mại truyền thống khác như mắt kính, phụ trang, nội y, áo tắm, và, đương nhiên, nước hoa.

Để chứng thực hiệu quả mê hoặc của hai đầu óc sáng tạo không tiền khoáng hậu này là hàng loạt tên tuổi các ngôi sao thượng thặng, những quí ông và quí bà được cho là quyến rũ nhất hành tinh: Tom Cruise, Brian Ferry, Brad Pitt, Isabella Rossellini, Demi Moore, Nicole Kidman, v.v… đặc biệt là các bộ phục trang sân khấu cho tour diễn vòng quanh thế giới của Whitney Houston, với những thiết kế từ phong cách thường phục sắc sảo cho đến những chiếc váy maxi lộng lẫy nhất cho nữ hoàng đen.

Nhưng những thành tích và danh sách khách hàng cỡ bự ấy hoàn toàn không có được từ đức tính thân thiện hòa đồng của cặp D&G. Dolce và Gabbana nổi tiếng kén thân chủ, bởi chỉ thiết kế cho những ngôi sao mà họ thích, đối với số còn lại, họ chỉ đơn giản trả lời “Bổn tiệm có phòng trưng bày ở bất cứ thành phố lớn nào, quí khách cứ mặc nhiên chọn lựa!” Do đó, để đứng đầu danh sách ưa thích của D&G hẳn nhiên phải là tầm đệ nhất vương giả tài danh của làng giải trí, không ai khác là Đồng Nữ Madonna: “Chúng tôi yêu Madonna. Không có bất cứ thứ gì Đồng Nữ muốn mà không được đáp ứng lập tức tại nhà Dolce&Gabbana. Không chỉ vì Madonna là ngôi sao yêu thích của cộng đồng gay. Chúng tôi yêu quí con người cô ấy, phong cách ấy, và cá tính âm nhạc ấy…, tất cả những gì thuộc về cô ấy.” Họ thiết kế phục trang cho tour Girlie Show của Đồng Nữ năm 1993, khiến cho cả thế giới mãi về sau còn nhắc đến bộ váy “Kylie Minogue tribute”, những chiếc T-shirt “Rocco” hồi năm 2000, và đến 2001 thì khiến khán phòng phát sốt lên với Đồng Nữ diện bộ đồ cao bồi đính đá đúng chất nữ quyền bạo dâm, gợi cảm cùng cực trong một nét nhục dục lưỡng tính.

Ngược lại, Đồng Nữ cũng hết lòng sủng ái cặp tình nhân đồng giới này. Nàng tự nhận mình là tín đồ sùng mộ nhất của họ – những kẻ được cả nước Mỹ gọi là “những tay thời trang Ý”, nàng còn cho họ là hai trong số các đại diện của văn hóa Ý thuần chủng: “Khi mà những Fellini, Rossellini, Pasolini và Visconti đã không còn, tất cả những gì nước Ý có để vinh danh tinh thần văn hóa quốc gia là thời trang duy thực của Dolce và Gabbana.”


Tình ái và sự nghiệp, dường như họ có tất cả, và vẫn là chưa đủ. Họ có số điện thoại của Madonna trên phím gọi tắt, 200 cửa hiệu khắp thế giới, 2000 nhân viên và hơn 579 triệu bảng Anh niên lợi. Họ là bạn bè hữu hảo của các đệ nhất minh tinh, họ khinh thị và chối từ thế lực tài chính của các tập đoàn cá mập LVMH và Gucci lúc này đang thèm thuồng tuyệt vọng trước con mồi khó nhậu. Hai thành viên hội đồng quản trị duy nhất của Dolce&Gabbana là Dolce và Gabbana, và họ duy trì điều đó một cách an nhiên nhưng đầy bài bản: “Chúng tôi cũng sẽ chẳng hề hối tiếc nếu thứ duy nhất chúng tôi đóng góp cho thời trang thế giới chỉ là một chiếc áo lót màu đen, Nó sẽ là cái đẹp nhất!”

Ngạo nghễ và bất chấp là thế, hẳn nhiên, cặp đôi bất bại cũng có cho mình những cú va chạm và cả những cuộc lật đổ. Tháng Giêng 2007, shot quảng cáo của D&G bị la ó rầm rĩ tại Anh-quốc, với những người mẫu tay cầm dao găm đâm chém loạn xạ. Chỉ một tháng sau đó, D&G lại tiếp tục bị giới chức Tây Ban Nha và Pháp cự nự đòi tẩy chay khi quảng cáo tại Madrid và Paris hình ảnh một nam nhân đẹp như thần đang vật một phụ nữ xuống đất, trong khi một nhóm tu mi nam tử khác đứng bu lại nhìn ngó và tạo dáng rất điệu. Lên tiếng hùng hổ nhất là Bộ Lao động và Xã hội Tây Ban Nha, với luận cứ rằng hình ảnh trên là vi phạm pháp luật và sỉ nhục phụ nữ, cho dù các fashionista Tây Ban Nha vẫn khăng khăng rằng họ sẽ khó lòng thấy nhục dẫu có bị vật mạnh hơn thế nữa!



Định dạng Dolce&Gabbana

Không chỉ với những cú ghi điểm lẫy lừng với các thiết kế trang phục như giải Woolmark Award 1991, danh hiệu dòng nước hoa nữ xuất sắc nhất năm 1993 cũng là một sự ghi nhận chân thực quyền lực Dolce&Gabbana trong thế giới mùi hương. Tại Hollywood – thành phố của những minh tinh, họ nghiễm nhiên là lựa chọn hàng đầu. Điều này hiển nhiên dẫn dắt đến cuộc ra mắt cửa tiệm nhà Dolce&Gabbana đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1995, ngự ngay thánh địa mua sắm thượng đẳng The Galleria, Houston. Đó cũng có thể được xem là một cú chinh phục cuối trước khi cơn mê đắm hai mẫu tự D&G chính thức khởi phát ồ ạt trên toàn thế giới, các cửa tiệm Dolce&Gabbana, như một vụ nổ lây lan, liên tiếp cát cứ tại những thánh địa thời trang mọi nơi trên thế giới, và lập tức trở thành biểu tượng đầy kiêu hãnh của thời trang cao cấp và văn minh couture.

Dolce&Gabbana được chia làm hai dòng chính: D&G và Dolce&Gabbana. D&G hình thành các nhánh thời trang thân thiện về cả thiết kế lẫn giá cả, trong khi Dolce&Gabbana mang nặng tinh thần haute couture xa xỉ. Mỗi dòng đều có các thiết kế áo tắm và nội y riêng biệt. Mô hình đăng đối này khiến Dolce&Gabbana duy trì được thế cân bằng giữa tính thương mại thực dụng và đẳng cấp hàng đầu của couture Ý, được trợ thủ cực kì hài hòa và đắc lực bởi các dòng nước hoa, mắt kính, giày, v.v…

Dolce&Gabbana là tất cả khía cạnh ồn ào, chói chang nhất của thẩm mỹ thời trang Ý. Thiên biến vạn hóa, đầy ngẫu hứng và bất ngờ, đó là khi thời trang nằm ngoài khái niệm che đậy thân thể. Mỗi thiết kế phải được cân nhắc hoàn hảo để trở thành những bộ khung, vỏ bọc hay bệ đỡ mỹ lệ nhất của cơ thể sống bên trong. Đến một mức độ nào đó, chúng vượt qua yếu tố tôn vinh thân thể mà trở thành một tạo vật được tạo hình hài hòa bởi những đường những khối nhồi lượn phập phồng bên dưới. Chúng ồn ào, diêm dúa, nhưng khúc chiết một cách kinh điển trong cấu trúc, tận dụng khai thác từng đường nét thể hình nhỏ nhất để phô bày trưng trổ. Dẫu đó là một chiếc áo khoác, váy, hay suit.



Trong các thiết kế của Dolce và Gabbana, người ta còn không thể không nhận ra nét hài hước ngỗ nghịch của những người đàn ông miền Nam nước Ý này, ảnh hưởng ít nhiều bởi tư tưởng cùng thời của Jean Paul Gaultier, thể hiện rõ qua các thiết kế corset vốn là thuộc tính biểu trưng của gã phá đền bạo tay này. Những chiếc corset của Dolce và Gabbana còn thể hiện nỗi đam mê ám ảnh của họ về phong cách va-va-voom di-gan đô thị, của vẻ thô thiển trác táng được trau chuốt bởi kỹ năng cắt may thủ công tuyệt nghệ. Đây cũng là nét hoài cổ trầm mặc luôn phảng phất trong các cuộc chơi tạo hình của Dolce và Gabbana. Họ khai quật những mẫu trang phục truyền thống của thời tiền-bình-đẳng-giới, cường điệu chúng lên bằng thẩm mỹ vị lai và tất cả những bảng màu sặc sỡ nhất.


Dolce & Gabbana cho tất cả

Dù với sự ngạo mạn, thất thường giữa hoài cổ và vị lai ấy, Dolce&Gabbana vẫn là một thương hiệu nóng của thị trường ready-to-wear thân thiện, đặc biệt tại Ý. Những năm cuối thế kỷ, dòng ready-to-wear của D&G đã mang lại món niên lợi 500 triệu Mỹ kim. Từng mẫu thiết kế ready-to-wear của D&G cho đến những bộ váy hào nhoáng xa xỉ của Dolce&Gabbana đều tuân thủ một tinh thần xuyên suốt: vẻ lộng lẫy thượng hạng, gợi cảm không e lệ, và nét hoài cổ cầu kì. Từng thiết kế mang tên cặp đôi quyền lực đều nồng nặc nhục dục trong bộ dạng ngạo mạn thượng tầng, ồn ào, lưỡng tính, và duy nhất! Và tinh thần đó được rải khắp thế giới qua sự có mặt của các cửa tiệm Dolce&Gabbana mỗi ngày thu hút hàng hàng lớp lớp lượt vào ra của các tín đồ tại Hoong Kong, Singapore, Đài bắc, Seoul, cùng khắp Âu châu cho chí Hoa Kỳ.

Người ta coi Domenico Dolce và Stefano Gabbana là những nhà ủy lạo nhiệt tình của phong trào bình đẳng giới, những kẻ làm nên phong độ mẫu mực của thế hệ đại nữ thành thị – mạnh mẽ, độc lập và hưởng thụ đến cực cùng lạc thú cuộc đời. Họ phá vỡ những lằn ranh của thẩm mỹ, của văn hóa, và tài tình để dành lại một phần đáng kể cho óc tưởng tượng của kẻ háo hức ngắm nhìn để hoàn tất bức phù điêu Vệ Nữ mang nhãn D&G.

Để có được những thiết kế ngời sáng thảm đỏ showbiz thế giới, những show diễn luôn khiến những hàng front-row dày đặc yếu nhân thời trang phải đứng bật dậy tán thưởng, trong phần còn lại của thế giới phải tiêu hao không ít tiền của, Dolce và Gabbana còn được biết đến bởi một phong cách bất di bất dịch: bạo liệt, sắc sảo và thuần túy gợi cảm với tuyệt chiêu tôn vinh tối đa vẻ đẹp cơ thể của người mặc. Giai nhân trứ danh Ý Isabella Rosselini kể rằng món đầu tiên của nhà Dolce&Gabbana mà nàng có là một chiếc sơ-mi trắng mà theo bà là “Thuần khiết, trinh bạch, nhưng với một form cắt khiến cho bộ ngực trông như sắp bật tung khỏi những chiếc khuy trêu ngươi.”

Người ta có thể “nhận diện” dấu ấn D&G, và một cách vô tình, Dolce và Gabbana thiết lập một phong cách thời trang để bất cứ tín đồ ranh mãnh nào cũng có thể “trông rất Dolce&Gabbana”, dù không hẳn có một món nào trên người mang tên họ! Bảng màu bạo liệt, form ôm sát nhưng tôn vinh hơn là tố cáo, những họa tiết in to bản, và lộ khe ngực càng nhiều càng tốt! Nếu một diva muốn trông thật gợi cảm mà không cần xăm chữ “sexy” lên trán, thì Dolce and Gabbana là hai người đàn ông mà họ cần.


Các chàng Romeo không thể có tất cả!

Họ có tất cả những gì khiến họ trở thành thần tượng của toàn thể giới gay trên thế giới: sự nghiệp, một mối tình bền vững, tột đỉnh danh vọng trong làng thời trang và một lối sống kiêu hãnh đế vương. Nhưng, hẳn nhiên, Thượng Đế không cho họ thật sự tất cả. Stefano là người đầu tiên nhận ra điều này, sau khi mối quan hệ của họ tan vỡ, và ông nhận ra, ngoài thời trang, không có một sự ràng buộc gắn kết nào là vĩnh cửu.


Năm 2005, trước sự sững sờ thảng thốt của cộng đồng gay thế giới, cặp uyên ương đồng tính tuyên bố chia tay. Gabbana cho biết họ đã dần xa cách trong khoảng 5 năm trở lại. Để xoa dịu các fashionisto và fashionista, Dolce và Gabbana vẫn duy trì một tình bạn khắng khít, và trên hết, vẫn là đôi song kiếm hợp bích tài hoa của thời trang Ý. Đằng sau một mối tình chết, cả hai vẫn có một “đứa con chung” là thương hiệu kiêu hãnh và quyền lực Dolce&Gabbana – điều đã gắn kết hai người đàn ông ấy lại với nhau, không chỉ bằng tình ái.

Domenico xoa dịu nỗi hoang mang của các tín đồ về cuộc chia loan rẽ thúy “Chúng tôi sẽ vẫn là cộng sự của nhau như trước giờ. Trong phương diện chuyên môn, chúng tôi vẫn là một nửa kia hoàn hảo của nhau, tương tác tuyệt vời và thông hiểu nhau thấu đáo nhất. Điều đã từng xảy ra trong quá khứ, sẽ được giữ nguyên như vậy, và sẽ mãi là như vậy. Chúng tôi có cùng một mối tình mãnh liệt, dù đó không còn là mối tình giành cho nhau.”

Họ chuyển đến ở tại hai căn hộ khác nhau trong cùng một tòa nhà tại Milan. Thương hiệu mang tên hai người giờ đây đã trị giá 350 triệu bảng với một danh mục thân chủ gồm cả Monica Bellucci, Beyonce, Kylie Minogue và cả bà Vic kiểu cách sành điệu. Dù cả hai đều đã có cho mình những mối quan hệ riêng, họ cùng cam kết không để mối ghen tuông của những người tình đến sau can thiệp và làm thương tổn đến sự nghiệp chung. Domenico cho biết: “Đây chỉ là vấn đề của việc ‘giáo dục cảm xúc’ sao cho khéo léo. Đương nhiên, nói thì dễ hơn rất nhiều. Dẫu sao chúng tôi cũng đã sống cùng nhau 19 năm, với sự đam mê nằm trong tất cả, từ thân thể xác thịt, cho đến tình yêu thật sự nằm sâu bên trong.”

Trong khi đó, Stefano xác tín rằng bất cứ người tình nào về sau của ông cũng phải chấp nhận và thuận thảo với mối quan hệ khắng khít của ông với Domenico: “Tôi luôn thẳng thắn và rõ ràng về việc này. Tôi có một mối ràng buộc khắng khít với Domenico. Chúng tôi từng ở bên nhau suốt ngày, thế rồi về đêm, chẳng mấy khi còn nhìn thấy nhau.”


Đứa con của Stefano Gabbana

Có vẻ như Stefano đã bị tác động mạnh mẽ bởi sự chia tay này có phần hơn hẳn Domenico. Chỉ không lâu sau khi chia tay, giới thạo tin đã kịp lan truyền ao ước của ông về…một đứa con.

Đây cũng là khi mà nước Ý đang chao đảo khi một bộ luật mới đang được đệ trình lên chính phủ, yêu cầu dành cho các cặp đôi không kết hôn, gồm cả những cặp đồng tính, các quyền lợi hợp pháp như những cặp đã kết hôn. Người đàn ông Một-Nửa-Quyền-Lực của thời trang thế giới thừa nhận: “Tôi thèm có một đứa con vô cùng, một giọt máu thật sự của tôi chứ không phải là một đứa con nuôi bất kì. Tôi không nhẫn tâm nhưng cũng không đủ mạnh mẽ. Tôi đơn thuần là muốn có cho mình một giọt máu thành hình, một thứ quả ngọt đâm nảy từ hạt mầm của chính tôi. Đương nhiên là tôi chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo vì chuyện tôi làm tình với một người mà tôi không yêu.”

Hẳn nhiên, cả thế giới biết Stefano yêu phụ nữ. Ông tôn vinh cơ thể họ và làm ra cho họ những bộ váy trác tuyệt, chứ không phải để làm tình cùng họ.


“Hiện thời tôi đang rất yêu một người, nên tôi mong tìm được một người phụ nữ thích hợp để cậy nhờ. Một tuần trước, tôi hỏi nhờ một người bạn thân, cô ấy nhỏ hơn tôi 12 tuổi. Cô bạn nọ đã hết hồn cho đến tận ngày hôm sau, khi cô ta gọi lại cho tôi, cô ấy vẫn chưa hết shock nhưng cũng nghĩ rằng đó là một ý hay.”

Gabbana không cho biết thêm liệu đó phải chăng đã là một lời đồng ý: “Tôi vẫn luôn tin rằng trẻ con cần được sinh hạ và giáo dưỡng bởi đàn ông và đàn bà, chứ không phải bởi các cặp tình nhân đồng tính. Bản thân tôi, tôi không tưởng tượng được quãng đời thơ ấu của mình mà không có mẹ. Và tôi cũng cho rằng việc tách đứa trẻ ra khỏi người mẹ là một hành động vô nhân.”

Ông cũng nói thêm rằng thời kỳ khủng khiếp nhất cuộc đời ông đã là khi chia tay với Dolce sau hơn 20 năm bên nhau: “Đó đã là một cú shock dữ dội. Tôi ngỡ ngàng khi thấy anh ấy thản nhiên vượt qua nỗi đau chia tay, thản nhiên như bất cứ cặp đồng tính hay dị tính nào mà tôi biết. Chúng tôi vẫn ở bên nhau, một phần bởi đã cùng có với nhau một mối tình tuyệt đẹp. Giờ đây tôi đã ở bên một người khác, nhưng Domenico sẽ mãi đặc biệt và quan trọng nhất trong đời.”

“Chúng tôi đã khéo léo duy trì mối quan hệ công việc và tình bạn, chứ không để cuộc chia tay biến thành sự tan rã của thương hiệu. Điều đó đã không hề dễ dàng cho cả hai, nhưng chúng tôi đã thành công.”

Ngay vào thời điểm những tâm sự này của Stefano Gabbana được công bố, cũng là lúc tòa thánh Vatican phản ứng gay gắt dự luật bình đẳng cho các cặp đồng tính và dị tính không kết hôn trước Chúa. Trên trang nhất tờ báo ngôn luận chính thức của Vatican là L’Osservatore Romano là hàng tít “Giáng sinh 2006: Tiễu trừ giá trị gia đình là tôn chỉ của luật pháp Ý.”
Cuối cùng thì “Romeo và Romeo” đương đại cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt dành cho những kẻ không may hòa lẫn ái tình và sự nghiệp. Nhưng liệu Stefano có vượt qua được đạo luật của tòa thánh và một lí lẽ tưởng như hiển nhiên rằng người đàn ông đồng tính không có quyền làm cha?


“The show must go on!”

Ở Milan, thời trang còn là công nghệ biểu diễn, và mỗi show diễn mang tính sống còn đến quyết liệt đối với từng hãng thời trang. Đó là kinh doanh, lợi nhuận, và danh dự đối với mỗi nhà thiết kế, thậm chí với cả những khách mời danh giá của những hàng ghế đầu.

Ở Milan, không có gì có thể làm hoãn hay gián đoạn một buổi diễn, dù có trùng ngay vào những đêm trao giải Oscar thu hút sự chú ý của cả thế giới, hay một vụ kiện trốn thuế quy mô lớn mà bị cáo là cặp đôi quyền lực Dolce – Gabbana.

Buổi trình diễn bộ sưu tập mới của Dolce&Gabbana vừa qua đã không may diễn ra vào đúng đêm sự kiện trao giải Oscar. Tất nhiên là khó lòng có mặt một minh tinh sáng giá hay nhân vật Hollywood thượng lưu nào trong khán phòng, mà đa phần là những nhân vật nội giới làng thời trang không mặn mà lắm với đại lễ ciné. Mọi ống kính của truyền thông thế giới đổ dồn về Los Angeles, và tuần lễ thời trang Milan bị bỏ rơi ra bên ngoài sức hút khổng lồ của thảm đỏ Oscar.
Điều đó kích hoạt thói lắm chiêu và hãnh tiến của giới thời trang Ý trong cuộc chiến không khoan nhượng giữa thảm đỏ Oscar và runway Ý, mà hung hãn hàng đầu là cặp song hổ Dolce-Gabbana. Ngay trong khi các cục cưng màn bạc của họ đang hãnh diện lượt là trong các bộ váy haute couture mang chữ ký Dolce&Gabbana, thì tại Milan, hai nhà thiết kế tiêu khiển cho khán phòng của mình bằng cả hệ thống Wi-Fi, cho phép đăng công khai mọi lời nhận xét về show diễn lẫn các bàn tán ngoài lề trực tiếp lên màn hình khổng lồ phía trên catwalk. Các câu comment từ những tín đồ theo dõi buổi diễn trực tiếp online, được post trực tiếp bằng smart phone và Blackberry, hiện lên màn hình ngay giữa buổi diễn, như một đại hội buôn chuyện của tín đồ thời trang thế giới đến tận hàng front-row danh giá của tuần lễ thời trang Milan. Dolce và Gabbana tâm đắc cho rằng thủ thuật này sẽ cộng hưởng cho công nghệ trình diễn thời trang thêm một yếu tố mang tính giải trí tương tác và một sắc diện “dân chủ” cho quyền lực thời trang thượng tầng.
Những comment từ vô thưởng vô phạt đến tán thưởng sâu sắc, hoặc châm chích khôi hài, từ “cám ơn những ly vang đỏ!” từ một khách mời hàng ghế thứ tư, cho đến “Trời ơi, thứ này bao giờ mới có ngoài tiệm vậy?” của một fashionista ở tận Đài Bắc được hiển thị trên background, xen lẫn với những hình ảnh truyền trực tiếp từ hậu đài, với huyền thoại Stefano Gabbana, mục kỉnh trượt trên mũi, tay vung vẩy ống keo, phủi sạch từng xơ vải trên các mẫu sắp được tung lên catwalk, mồm vẫn nhai gum tóp tép, hay cảnh các chân dài lênh khênh nháo nhào sấp ngửa ngay sau màn nhung. Không khí loạn lạc của hậu đài ấy, vốn được coi là một “thế giới ngầm” của hào quang thời trang xa xỉ, cũng được chia sẻ với các tín đồ trong khán phòng và trên toàn thế giới, như một cuộc xuống đường của thực tế thời trang.

Mặc nhiên với tính giải trí công nghệ cao của những cái đầu Ý, thuộc tính thời trang của show diễn vẫn là điều tối trọng. Bộ sưu tập mang cái tên gợi cảm một cách huỵch toẹt Sensuality: Masculine-Feminine. Các người mẫu được phủ lên toàn thân một lớp đăng-ten đen, những kiểu váy bó sát rạt bằng thun jersey, giày cao gót, những mảng miếng đong đưa à ơi trải dài catwalk. Điều khiến Sensuality: Masculine-Feminine gai góc và khác biệt chính là cuộc tập kích ồ ạt của những kiểu quần dài nam tính, sơ-mi trắng, và những làn môi cong tớn, tặng kèm cú đá lông nheo điệu nghệ bên dưới vành mũ đàn ông. Tất cả đặc sệt một màu sắc dục tình lưỡng tính. Mặt khác, cài cắm yếu tố thương mại thực dụng một cách tài tình, nét nam tính và yếu tố tinh xảo của kỹ thuật cắt form khiến những thiết kế này thân thiện với cả các diva công sở, và chỉ cần thêm một hàng nút buông lơi trên chiếc sơ-mi “trinh bạch”, sẽ thừa độ nóng cho những cuộc tán tỉnh nóng hổi dưới ánh đèn nightclub. Một cuộc tấn công không khoan nhượng vào quỹ mua sắm của mọi tín đồ nhạy mốt nhất trên khắp hành tinh.

Bộ sưu tập lần này của Dolce&Gabbana còn là cú lăng-xê các họa tiết hình ngôi sao to tướng. Màn hình sáng rực những comment tung hô “Tinh thần retro-70s bất diệt! Cool quá thể!”, hứa hẹn sẽ tạo sốt và hoành hành trường phái đường phố cao cấp đương thịnh của thị trường thời trang thế giới.

Tuy không có một động thái kiểm duyệt comment nào từ phía bộ đôi quyền lực, nhưng trên màn hình tuyệt nhiên không thấy có một lời bàn ra tán vào nào về tình hình vụ kiện trốn thuế với con số lên đến 416 triệu bảng đang nhằm vào Dolce và Gabbana, mà cặp đôi vương giả đang chối đây đẩy và cực lực kêu oan.

10 ngày trước đó, các luật sư phía Dolce và Gabbana một lần nữa đã thuyết phục thành công việc trì hoàn phiên tòa sơ thẩm thêm một tháng trước khi Dolce và Gabbana thật sự trở thành tâm điểm của mọi chiều chiếu rọi của dư luận, truyền thông và pháp luật.

Với tốc độ vững chắc nhưng chậm chạp của toàn cảnh công nghệ thời trang Ý, dù vừa ăn mừng 25 năm chính thức khai trương thương hiệu, Dolce và Gabbana vẫn được xếp vào hàng “thế hệ mới” của tuần lễ thời trang Milan giữa các tên tuổi thế lực như nhà Gucci tròn 90 tuổi, Fendi 86, và Salvatore Ferragamo 83. Với con số 25 tròn đầy thịnh vượng, bộ đôi Dolce và Gabbana vẫn đang là cặp hổ tướng đầu trò mọi cuộc cách mạng thẩm mỹ ngoạn mục cho mỗi mùa thời trang, và hà hơi vào đó những luồng sinh khí trẻ của tính đường phố đặc chuẩn Ý, nhưng dành cho thị hiếu tín đồ toàn cầu.


Trước tuần lễ thời trang Milan, cả hai cùng đứng ra tổ chức sự kiện vinh danh các tài năng thiết kế trẻ, được hào phóng tôn vinh bằng các bộ sưu tập phụ trang phụ kiện của Dolce&Gabbana tại một tiệm flagship của họ tại Milan.

Cũng như nhà Burberry của Anh quốc, Dolce và Gabbana đang tiên phong trong trào lưu phối hợp thế lực internet và các mạng xã hội để phát triển và quảng bá thương hiệu theo hướng dân chủ, như một chiến lược dân chủ điệu nghệ của các tay couturier thức thời. Ngoài mảng miếng tương tác online trong show diễn vừa qua, Stefano Gabbana còn là một Tweeter nặng nghiệp, đang tạo cả một cơn sốt follower hừng hực trên cộng đồng này hướng về những thuộc tính Italy đầy kiêu hãnh mà ông không ngừng ủy lạo: thú tắm nắng, những bãi biển, âm nhạc, các biểu tượng emoticon ngộ nghĩnh, và, đương nhiên, cả những bức ảnh đầy thi vị thời trang của chính mình với các người mẫu và celebrity.

Ngay sau buổi diễn, tất thảy các fashion blogger khét tiếng ở khắp nơi trên thế giới được mời đến các cửa hiệu của Dolce&Gabbana, nơi họ đích thân sử dụng các thiết kế có trong cửa tiệm và tái thiết lại cửa kính trưng bày theo phong cách riêng của mỗi người. Cú PR thông minh đầy tính cách mạng này đã khiến mạng lưới tông đồ – tín đồ của Dolce&Gabbana tăng lên theo cấp số nhân, và bằng tốc độ của một cú click.

Chit chat với Dolce & Gabbana

Người ta có thể có một anh bạn gay thân thiết để chơi trò best-friend-forever và vừa đắp mặt nạ dưỡng da vừa buôn chuyện với nhau. Nhưng một dịp chit chat với cùng một lúc một cặp đồng tính huyền thoại và quyền lực như Dolce và Gabbana, không phải fashionista nào cũng dám mơ đến.

Hãy nghe họ tâm sự về những điều nhỏ nhặt nhất, và cả những nuối tiếc còn vương vất sau cuộc tình đã thành huyền thoại của làng thời trang.


Stefano Gabbana:

Chúng tôi hầu như không có với nhau một bức ảnh chụp chung mang tính riêng tư nào, đơn giản là cũng trong ngần ấy năm, chúng tôi không còn có dịp để đi nghỉ ở đâu cùng nhau nữa. 10 năm đầu của mối quan hệ là bởi điều đó quá xa xỉ cho cả hai người, và sau 10 năm, chúng tôi không còn lí do gì để đi chơi cùng nhau nữa cả. Những bức ảnh hiếm hoi chụp chung của chúng tôi là cho những bài phỏng vấn trên các tạp chí. Trong một tấm, tôi chợt nhận ra mình chẳng thay đổi chi mấy, cũng vẫn sơ-mi trắng và jeans, đeo một lèo hai chiếc đồng hồ, một cái Cartier, cái Rolex là của Domenico tặng.

Cả đời, tôi đeo cà-vạt đen được đúng 3 lần. Thậm chí tôi không biết cách tự thắt nút cà-vạt. Một lần, tại buổi ra mắt một vở opera, Domenico đến sau để tìm thấy tôi đứng ẩn mình vào một góc, đang rối rít vẫy ‘Nhanh lên, làm ơn thắt giùm tôi cái cà-vạt!’ Bằng không, tôi thà mặc tuxedo với quần jeans và đeo một cây thánh giá. Nhưng dạo này, tôi bắt đầu đeo thánh giá lên chiếc quần lọt khe bằng da, không hẳn là món bling-bling phô trương, hơi hippy một chút, dù tôi cũng chẳng phải là dân hippy. Cây thánh giá này là quà của nhân tình hiện nay của tôi. Bạn bè thường than vãn rằng rất khó chọn mua quà cho tôi, nhưng thực tình không phải vậy. Tôi đương nhiên là không lấy giá trị của món quà làm trọng, tôi cũng không cần một bức vẽ của Julian Schnabel. Tôi không làm bộ làm eo, tất nhiên là tôi sẽ rất thích nếu có được bức họa đó, nhưng điều làm tôi đê mê sung sướng nhất là những món quà nho nhỏ, những thông điệp ngọt ngào từ người tình.


Tôi thích jeans bó sát, nhưng ngần này tuổi rồi, tôi không muốn mình trông lố lăng như hề lạc thời. Quần thụng thì không phải thứ tôi ưa, nhưng chỉ cần vừa vặn và thoải mái, và với tôi, thoải mái có nghĩa là không nhất thiết phải rất, rất, rất bó. Thế là tôi vào tiệm của mình mà mua quần, được giảm giá những 50%.

Chất denim luôn nằm trong những nỗi ám ảnh ký ức của tôi. Tôi nhớ mình mặc quần Levi’s hồi năm 12 tuổi. Hồi đó, bọn trẻ choai choai ở Milan phát sốt vì nhà Fiorucci nhưng hồi đó cỡ tôi làm gì mua nổi thứ đó. Tôi có cả một bộ sưu tập những chiếc túi mua hàng của Fiorucci, mẹ tôi vẫn giữ cùng với mấy cái hình dán stickers thuở nhỏ. Bây giờ thì tôi mời đích thân Elio Fiorucci đến các buổi diễn của chúng tôi. Ông ấy quả tình xứng mặt tiền nhân.

Khi tôi gặp Domenico, anh chàng là một nạn nhân thời trang thật sự. Tôi mua đồ ở mấy tiệm second-hand và bị mắng là đồ ngu. Mẹ tôi cũng điên tiết vì sở thích này của tôi: ‘Xem này, quần thủng đít! Con ăn mặc như đồ du thủ du thực vậy! Ngó vô kiếng đi!’, còn tôi thì cứ khăng khăng ưa thích mấy cái quần second-hand của mình. Mẹ tôi vẫn là một tín đồ thời trang tuẫn tiết. Bà xưa kia làm nghề giặt ủi, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh bà chưng diện trong bộ suit đỏ thắm, với chiếc áo jacket mini, quần loe, bộ tóc giả (khi đó đang là mốt tóc giả) to phồng chải chuốt. Và với lệ bộ như thế, bà dẫn tôi đi mua sắm. Bây giờ thì tôi là người chăm sóc cho cả gia đình, như một cách tri ân, đối với cả gia đình Domenico nữa. Không có họ, sẽ không có một Stefano Gabbana của thế giới thời trang.

Khi tôi và Domenico chia tay, nỗi buồn có thể lắng lại trong tim trong óc, nhưng tuyệt đối không vương mảy may lên những bộ cánh nhà Dolce&Gabbana. Tôi không phủ nhận mình mê tiền và lối sống xa xỉ mà nó mang lại. Đáng tiếc, tôi có một tòa thự tuyệt đẹp ở Portofino, nhưng mỗi khi tôi buồn, quay về nơi đấy, tôi cũng chả hề thấy hạnh phúc hơn tẹo nào. Tôi có một chiếc du thuyền, nó cũng không có công dụng biến nỗi buồn thành niềm vui. Tôi du lịch tứ phương trong chiếc chuyên cơ riêng, khi tôi lên máy bay hay khi bước ra khỏi đó, tâm trạng của tôi cũng chẳng có gì thay đổi. Tôi không chỉ là một nhà thiết kế thời trang, tôi còn là một con người.

Tôi không bao giờ mang chuyện giới tính hay tình dục ra mà bàn thảo với gia đình. Sau khi tôi 18 tuổi, họ biết, chỉ như thế. Tôi chỉ bắt đầu thật sự nói về chuyện đó với họ năm 32 tuổi, như một sự giải thoát. Ý tôi là về tình ái, chứ không phải tình dục. Trước đây, khi còn trẻ, tôi sợ nói về những điều này, dù biết rằng mình khác biệt từ khi 5 hay 6 tuổi gì đó. Nhưng tôi sợ rằng nếu nói với mẹ tôi, rất có thể bà sẽ không còn yêu thương tôi nữa.

Người yêu của tôi bây giờ hoàn toàn không muốn dính dáng gì đến Dolce&Gabbana, và tôi hài lòng vì điều đó. Dù trong bất cứ trường hợp nào, chuyện tình giữa tôi và Domenico vẫn chưa bao giờ thật sự kết thúc, có nhiều cách để yêu thương, và là những người tri kỷ, là một cách.”


Domenico Dolce:

Hồi đầu, bọn tôi bị chê là lũ lôi thôi nhếch nhác. Khi đến London lần đầu tiên, chúng tôi đã bị choáng ngợp hoàn toàn bởi sự ưu ái hào phóng. Ở đó, người ta cứ tưởng chúng tôi là những thành viên của một boyband nào đó. Từ hồi đó đến giờ, phong cách cả hai hầu như vẫn vậy, dù trước đó tôi đã từng mê mệt Montona, Versace và Armani. Hồi tuổi teen, tôi ưa mốt quần nhung sọc và áo cũng sọc, hầu hết của nhà Clarks.

Bây giờ thì hầu như tôi luôn mặc T-shirt khi vui. Sinh ra trong một gia đình truyền thống nghề may, cả tuổi thơ tôi lớn lên giữa những câu chuyện về thời trang, hay nói một cách khác, tất cả mọi thứ trong cuộc đời tôi đều xoay quanh thời trang. Vậy mà đến tận bây giờ, phong cách trang phục của tôi vẫn không thay đổi là mấy, có chăng là khác biệt về độ dày mỏng của chất liệu – cashmere cho mùa đông, và cotton cho mùa hè. Và cả quần jeans nữa.

Đối với tôi, một trong những điều tuyệt vời nhất là ngắm nhìn người khác, những người bình thường, mặc những thiết kế của mình. Cũng có những lúc tôi nhìn thấy một ai đó mặc đồ D&G và thoáng nghĩ trong đầu “Ôi trời, không!”, nhưng bạn chẳng thể chặn thiên hạ giữa đường mà bắt người ta về nhà thay đồ.

Tôi có món đồ “hên” nào không? Có, nhưng đó là bí mật. Tôi có từng phạm sai lầm trong thời trang? Có, nhưng tôi không nói đâu. Tôi không thích mặc thứ gì nhất? Tôi có gout riêng, nhưng tôi không bao giờ nói không bao giờ.


Tin giờ chót: “Hân hoan” báo tử D&G!

Cho đến mùa tuần lễ thời trang Milan vừa qua, thương hiệu song hiệp hùng mạnh vẫn ngạo nghễ với sự tồn tại an nhiên qua bao mùa đại loạn của kinh tế thế giới trong suốt 26 năm tồn tại. Con dân phố Wall có thể  nhảy từ tầng cao building xuống và trái đất có thể đang nóng lên, nhưng Dolce và Gabbana vẫn là “Kings of Blings”, mỗi mùa rải khắp địa cầu những món thời trang để khích lệ những mùa săn ráo riết nhất.

Một số nhà phân tích cho rằng sự phối hợp song toàn giữa dòng thời trang xa xỉ Dolce&Gabbana, dòng thời trang thân thiện D&G và dòng phụ trang – mỹ phẩm đã cho họ một thế kiềng 3 chân kinh điển vững mạnh để duy trì thế đứng, ngay cả khi các thế lực thời trang hàng đầu đang liên tiếp ngả nghiêng chao đảo, đặc biệt các đế chế haute couture.

Thế nên, quyết định xóa sổ dòng D&G – vốn luôn được mặc nhận là tinh thần nữ tính và được báo giới nhắc đến như một nữ nhân. “Nàng út” D&G sẽ được sáp nhập cùng với cô chị xa xỉ Dolce&Gabbana của song hiệp khiến cộng đồng tín đồ thời trang hoang mang. Phải chăng ngay cả các thành trì vững chắc nhất cũng đang co mình lại cho vừa vặn chiếc chăn quá chật của toàn cảnh thị trường thời trang thế giới?

Tuần lễ thời trang Milan vừa qua, bộ sưu tập D&G cuối cùng đã thượng sàn catwalk. Một cuộc diễu hành thật sự của sự trẻ trung và lộng lẫy. Từ backdrop trải dài lên catwalk là một tấm khăn lụa kẻ ô sáng chói, dẫm đạp lẫy lừng phía trên là những cặp trường túc hào hứng nện gót, những cô dâu diêm dúa đủ màu cuồng nhiệt theo giai điệu các bản remix đầy thái độ của Prince và James Brown. Vẫn là những gì người ta biết về D&G – với thẩm mỹ của một gái hot và tài khoản của một CEO.


Nhưng ngay vào khoảnh khắc cặp đại song hùng bước ra cúi đầu chào, khi mà khán phòng hả hê đổ tràn ra hứng ánh mặt trời hào phóng của Milan, các hộp thư điện tử của họ đã kịp nhận thông cáo đóng cửa nhãn hàng D&G. Và chỉ cho đến khi đó, tức là vài giờ sau show diễn vui nhộn cuối cùng, người ta mới ý thức được rằng đã vĩnh viễn không còn tồn tại một D&G trên bản đồ thời trang thế giới. Hai người đàn ông Ý đã quá kiêu hãnh để chấp nhận một cuộc giãy chết hình thức mà gần đây người ta đã chứng kiến quá nhiều. Cánh hồng rải tung trong không trung, các soundtrack nhạc kịch cổ điển bi tráng, những giọt lệ lịch thiệp chừng mực từ hàng ghế đầu,… tất cả đều bị từ chối. D&G ngã xuống, cười toe.



Họ đã chọn cách thông báo tin này đến nội giới thời trang như một tin vui, hơn là một lá thư giã từ hay tuyên bố phá sản: “Chúng tôi xin được hân hoan báo tin cùng quí bà, quí ông, rằng từ các mùa thời trang kế tiếp, D&G sẽ trở thành một phần của Dolce&Gabbana, mang lại một sinh lực mới cho các bộ sưu tập về sau của chúng tôi.”

Đây là một động thái hưởng ứng khá kì cục đối với lời kêu gọi của Mario Boselli, chủ tịch Viện Thời trang Ý đối với các nhà thiết kế hiện đang dành nhau từng suất diễn quý báu để có mặt trong lịch trình của tuần lễ thời trang Milan “Đây chính là cơ hội để tự vệ trước khủng hoảng, hãy hợp nhất!”

Trên thực tế, các tay buôn tin hành lang đã kháo nhau về quyết định này của nhà Dolce Gabbana. Nhưng phần lớn sự đồ đoán đều cho rằng nếu có một phần nào của quyền lực song hiệp bị thu gọn, đó sẽ là dòng xa xỉ Dolce&Gabbana, theo gương “cần kiệm” của những thế lực haute couture đàn anh đang phải nhẫn nhịn “dân chủ hóa” tính công phu và tag giá kiêu kì vốn có của mình. Để đáp trả, Dolce và Gabbana đưa ra quyết định cuối cùng cho dòng hàng vốn xưa nay mang lại một nguồn niên lợi khổng lồ cho thế lực của họ, đặc biệt tại thị trường châu Á là D&G. Họ muốn một lần nữa ngạo nghễ chứng tỏ quyền lực của lòng kiêu hãnh haute couture, có thể tùng quyền thỏa hiệp, nhưng bất bại và trường tồn.

Đây còn là một đòn chơi khăm oái oăm nhất lên đầu hội xì thẩu chuyên hàng D&G nhái tại Trung Quốc với một sản lượng không hề nhỏ các sản phẩm mang nhãn D&G, từ T-shirt, jeans đến các hàng phụ trang. Điều này cũng đồng thời là một tin đáng hân hoan cho các fashionista ranh mãnh, khi mà từ nay, các dòng thời trang thân thiện sẽ kiêu hãnh mang tên Dolce&Gabbana với một cú nhún mình lịch thiệp đẹp mắt của thế lực xa xỉ đến với thị trường thời trang đại chúng.




nguồn again

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

I am GAY


"Tôi là gay"

(LĐO) - Thứ tư 01/05/2013 15:54
    Nụ cười của Jason Collins, ngôi sao bóng rổ 34 tuổi đang thi đấu tại giải NBA sẽ xuất hiện trên trang bìa tạp chí danh tiếng Sports Illustrated vào ngày 6.5.2013 tới. Và thưa các bạn, kèm theo đó là lời tự thuật: "Tôi da đen và Tôi là gay”.
    Có thể nói sao về 2 vế của mệnh đề này?

    Đó là ngày 4.4.1968, Luther King đã dùng mạng sống của mình đánh đổi “một ước mơ”. Ước mơ “Rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng”.

    Và 30 năm sau đó, Elton John đã cất lên ca khúc “trên chúng ta chỉ là bầu trời” để kỷ niệm chàng sinh viên bất hạnh Matthew Wayne Shepard, đã bị đánh đập, tra tấn đến chết trong một tội ác dã man. Chỉ vì anh là một người đồng tính.

    Cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở thế kỷ trước, dường như chưa kết thúc trong thế kỷ này, khi mà đóng vai “người da màu” giờ đây chính là những người đồng tính.

    Trở lại với câu chuyện của Jason Collins. Khi quyết định “giơ tay” (tôi đã dùng chữ công khai thay vì viết là thú nhận) anh kể lại: Tôi bắt đầu nghĩ đến điều đó (việc công khai giới tính) từ năm 2011 khi NBA đang diễn ra đình công. Nhưng rồi cuộc đình công khiến tôi phải đối mặt với chính mình, phải tự hỏi rằng mình là ai và mình muốn gì?”.

    Anh nói “Đó là một sự giải phóng” khi người đầu tiên anh tâm sự về giới tính, một người dì, một thẩm phán ở San Francisco đã trả lời rằng: “Dì biết cháu là gay từ nhiều năm nay rồi”.

    Jason từng hẹn hò với các cô gái, đã đính hôn, đã từng nghĩ mình buộc phải sống theo một chuẩn mực nào đó như cưới một cô gái và nuôi con cùng cô ấy, y như việc: “Tôi luôn tự nói với mình rằng bầu trời có màu đỏ”. Nhưng rồi anh quyết định rằng “Trong thâm tâm, tôi luôn biết bầu trời có màu xanh”.

    Khi quyết định tuyên bố giới tính, Jason cũng đã nghĩ đến phản ứng của đồng đội, “Câu trả lời đơn giản là: tôi không biết. Tôi hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng cũng sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất”.

    Thế giới đầy thị phi đầy những bi kịch tày liếp. Năm 1990, Fashanu, cầu thủ đầu tiên công khai giới tính của mình trên truyền hình. Vẫn chỉ là 3 chữ “Tôi là gay”. Fashanu sau đó được tung hô như một người dũng cảm, dám chiến đấu để được thừa nhận giới tính thật, nhưng cùng lúc, ông nhận được hàng “rổ đá”, thậm chí cả với những yêu cầu “cấm tiệt” vì Fashanu đã làm “vấy bẩn hình ảnh bóng đá”. Chẳng phải đồng tính, một thời từng được coi như một căn bệnh đáng sợ, dễ lây lan.

    Nhưng về cuối đời, Fashanu đã chọn một cuộc sống ẩn dật, cô độc. Ông kết thúc cuộc đời mình bằng một sợi dây.

    “Tôi là gay”. Một thông điệp cực kỳ ngắn gọn nhưng khó khăn.

    Ngày hôm qua, khi Jason công khai giới tính trên báo chí thế giới, thì ở một ngôi làng bé nhỏ hẻo lánh nào đó ở xứ Lạng, câu chuyện chàng trai xứ Lạng Nông Văn Hiếu cũng lặng lẽ xuất hiện.

    Hiếu sinh năm 1984, đang sống trong một ngôi nhà “lưng lửng” trên một quả đồi nào đó ở Chi Lăng. Ít năm trước, chắc trong một lúc nào đó “phải đối mặt với chính mình”, anh viết đơn xin vào Hội phụ nữ.

    Tại sao ư? Anh thẹn thùng đáp: “Đơn giản em chỉ muốn được tham gia sinh hoạt trong một tổ chức nào đó, được trò chuyện… Nhiều người cho rằng hành động đó của em là điên khùng khác người, nhưng em không quan tâm. Quan trọng là em thấy thoải mái và được sống đúng như những gì em mong muốn”.

    Sẽ không lấy vợ - Hiếu tâm sự.

    Và sự “ở vậy” của anh chính là lời kêu cứu tuyệt vọng của một cộng đồng thiểu số, tuy nhỏ, nhưng cũng là những con người, trước sự từ tuyệt của số đông những đồng loại của mình.

    Luật hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ được đưa ra Quốc hội trong ít tuần tới với những ý kiến trái chiều về hôn nhân đồng giới. Bộ Tư pháp lên tiếng ủng hộ. Bộ Y tế tán thành trên cơ sở xác định đồng tính luyến ái hoàn toàn không phải là một thứ bệnh tật. Nhưng vẫn còn đó những ý kiến khác. Thật tình cờ, chẳng hạn Hội Phụ nữ, với quan điểm bỏ cấm, nhưng “Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính với nhau”.

    Thưa các bạn, chúng ta nói nhiều đến quyền làm người, đến “mưu cầu hạnh phúc”, nhưng phải chăng sự lạnh lùng và cái lắc đầu từ chối với tất cả những gì không giống mình thực ra cũng chỉ là một biểu hiện kỳ thị!
    Trong bài hát của Elton John có câu “Tưởng tượng xem tất cả mọi người chỉ sống cho ngày hôm nay”.

    Tại sao chúng ta không nhìn lên bầu trời để thấy nó có màu xanh, cho tất cả mọi người!