Tạo hóa phân chia giới tính, con người lựa chọn yêu thương

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2008

Thế giới thứ ba qua góc nhìn của dân Art

"...ở góc độ nào đi nữa, các tác giả cũng chỉ nói lên một quan điểm cá nhân, qua đó, đặt người xem phải đối diện với những suy nghĩ, nhìn nhận về một thế giới thứ ba vẫn đang tồn tại song song như một điều hiển nhiên không thể xóa bỏ của tạo hóa, và tự có nhận định riêng mình."
Bài đăng trên báo Đẹp, số tháng 3 năm 2008.
( trong báo bị kiểm duyệt cắt đi vài đoạn màu cam )

Tình yêu đồng giới, xét từ nguồn gốc và bản chất, là tự nhiên, sản phẩm hoặc một dạng thức của tự nhiên. Platon, một hiền triết Hy Lạp cổ đại, trong luận văn Bữa tiệc cho rằng, loài người tự cổ xưa có ba giới là nam - nam, nữ - nữ và nam nữ. Họ có bốn tay, bốn chân, hai đầu và, vì thế, rất khỏe nên nảy sinh ý định chống lại thần Zeus. Vị thần của các vị thần này bèn nổi giận và cắt đôi họ ra thành hai nửa riêng biệt. Các nửa này suốt đời kiếm tìm nhau để hợp một. Những nửa trước đây vốn là hợp thể nam -nữ thì chỉ tìm người dị giới, còn các nửa trước đây là nam - nam hoặc nữ - nữ thì chỉ say mê với cái nửa đồng giới kia của mình. Tình yêu đồng giới khởi nguồn là như vậy.(*)

Với dân Mỹ thuật, hình như, đây là một đề tài nhạy cảm và ít khi được các họa sĩ xem là một đề tài sáng tác bình đẳng. Tại Festival nghệ sĩ trẻ toàn quốc năm 2007 tại Hà Nội, có một câu hỏi chất vấn hội đồng kiểm duyệt rằng, tại sao, bức tranh khắc gỗ miêu tả hai người phụ nữ khỏa thân của nữ họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang bị tháo dỡ trước giờ khai mạc? Một vị quan chức đã chỉ trả lời một câu đơn giản “ Đồng giới là vi phạm Thuần Phong Mỹ Tục”.

Câu trả lời đã gây tiếng xầm xì xôn xao và gặp nhiều phản biện… Người đặt câu hỏi, nghệ sĩ thị giác trẻ Nguyễn Kim Hoàng đã chất vấn “ Tại sao cũng là đề tài nhạy cảm đó, mà bên văn học đã có hai quyển tiểu thuyết, và bên điện ảnh cũng đã ra mắt một bộ phim, mà Mỹ Thuật thì lại cắt bỏ?”

Giật mình nhìn lại, đề tài này, trong Mỹ Thuật, thật là hiếm hoi làm sao. Phải chăng, vì những suy nghĩ cũ kỹ áp đặt, đề tài đồng tính như một quan niệm phản cảm không thể chen chân vào lĩnh vực vốn đã kén chọn người xem này?

Nhưng, cũng có vài con người trẻ, thoát ra khỏi những lo ngại đó, đã theo đuổi và sáng tác về đề tài đồng tính trong một khoảng thời gian dài …

Thấp thoáng qua những bức tranh khắc gỗ của Lý Trần quỳnh Giang…

Hình của Lý Trần Quỳnh Giang ( photo Himiko.Nguyễn )

Bức tranh “Bà ta” của nữ họa sĩ Lý Trần quỳnh Giang, đã bị loại khỏi festival nghệ sĩ trẻ toàn quốc, là tiền đề gây xôn xao trong buổi hội thảo bởi câu trả lời “ vì đồng giới là vi phạm Thuần Phong Mỹ Tục” của vị quan chức nọ, nằm trong loạt 20 bộ tranh khắc gỗ được trưng bày sau đó trong triển lãm cá nhân mang tên “Giang” tại L’ Espace. Loạt tranh được đánh giá cao trong giới phê bình Mỹ Thuật, mà thông qua nó, Lý Trần quỳnh Giang đã đoạt giải thưởng nghệ sĩ trẻ của năm 2007 của quỹ Vietnam Foundation for the Arts. Chị đã mất gần 2 năm để hoàn thành loạt tranh khắc này.

Bản thân Giang không khẳng định đồng tính là đề tài chủ đạo, nhưng, có thể nhìn thấy thấp thoáng những thân phận con người thuộc về thế giới thứ 3 trong những tác phẩm của chị. Đó là sự cô đơn xuyên suốt bao trùm những bức tranh toàn đàn ông hoặc toàn đàn bà; đó là sự chế giễu, phản kháng, tẩy chay những đám đông soi mói chỉ chực đưa những cặp mắt cú vọ chòng chọc vào cuộc sống riêng tư của mỗi con người; đó là những bàn chân, bàn tay vô tính được khắc họa run rẩy, được che kín trong những tấm áo; đó là những gương mặt toàn đàn ông mệt mỏi trầm uất, rồi những gương mặt được quấn băng kín mít, chỉ lộ ra những con mắt đau đáu yêu thương; đó là, những bộ phận cơ thể phụ nữ run rẩy nén mình… Là toàn bộ thế giới nội tâm cô đơn dằn xé, mâu thuẫn đến run rẩy của những thân phận con người… Qua đó, có thể nhận thấy sự khắc họa về một thế giới khác lặng lẽ âm thầm, không quan tâm đến những định kiến, như nụ cười nhẹ bất cần của cô khi tháo dỡ bức tranh khắc hai người phụ nữ đã bị loại bỏ khỏi festival nghệ sĩ trẻ. Tạo nên một thế chông chênh cho hai bức tranh còn lại trong bộ “những cành mệt mỏi”…

Bà ta - gỗ bản – 100cmx100cm (*)

Đám đông 1

Táo bạo và trực diện trong những bức tranh tạo hình của họa sĩ trẻ Trương Tiến Trà

Hình của Trương Tiến Trà ( nghệ sĩ cung cấp )

Triển lãm về đồng tính của Trà là một ý tưởng được xây dựng trong ba năm. Anh xem dự án này như là một thử nghiệm, là một thử thách nghề nghiệp đối với mình. Lần đầu tiên anh mang ý tưởng từ Nga về và thể hiện tác phẩm tại Việt Nam. Du học ở Nga, Trương Tiến Trà đã nhiều lần chứng kiến các cặp đồng tính yêu nhau với những tình yêu đẹp và tự do. Đến với anh thật đơn giản trong ý nghĩ đó là tình yêu. Và anh muốn thể hiện lại bằng ngôn ngữ tạo hình. Chọn lần một như những thử nghiệm bước đầu chỉ đề cập đến tính chất thuần túy là các cặp đồng tình ôm ấp nhau qua các cử chỉ tình cảm. Triển lãm lần hai vào tháng 8 năm 2007, anh đã mạnh dạn hơn và đưa đến một mô tuýp mới về cách diễn đạt. Họa sĩ chọn kích thước tranh khổ dài và hẹp để tạo nên một tình yêu kín đáo, trong đó, xuyên suốt là vấn đề tình dục. Tác giả nghiêng về biểu hiện xu hướng xác thịt của giới đồng tính vì anh cho rằng cơ thể con người là lối tạo hình đẹp nhất, và anh chọn tiếng nói đó. Mỗi một tác phẩm tác giả đặt vấn đề về lối diễn đạt hình hài như một tiếng nói về tình yêu và cử chỉ âu yếm của mỗi cặp đồng tính. Không gian chật hẹp tạo nên sức nóng bằng những mảng màu được đan xen tương phản mạnh, tăng thêm sức lôi cuốn mạnh mẽ đam mê. Cặp đồng tính nam hay nữ đều được thể hiện rõ nét bằng những mảng màu nóng lạnh trên cơ thể của từng người. Tác giả đặt vấn đề nét và màu sắc là ngôn ngữ chín. Những chấm màu những đường contua chạy đều không ngừng nối và đan vào nhau tạo thành một khối, chuyển tải những nụ hôn, những vòng tay âu yếm, vuốt ve làm mềm cơ thể. Những mạch máu hằn rõ, những gam màu nóng lạnh thể hiện sự khao khát cảm xúc yêu đương.

Cách thể hiện táo bạo và dứt khoát của Trương Tiến Trà đã gây một cú shock nhẹ đối với người xem trong lần ra mắt ở Himiko visual saloon tại TP. HCM. Ngay cả với những người trong thế giới thứ ba, thì hình ảnh được ra trần trụi về xác thịt, khiến họ bối rối và phản ứng. Nhưng, bản thân tác giả tự tin với cách thể hiện táo bạo trên, mà qua đó, anh vượt qua khái niệm đạo đức cũ xưa, đưa đề tài đồng giới vào sự khai thác bình đẳng với mọi chủ đề khác.

Anh nói, “tôi nghĩ giới tính và tình dục đến khi họ yêu nhau thì đấy là chuyện đương nhiên. Phạm trù đạo đức nó là thuần phong mỹ tục, nhưng ở đây nó là quy luật của tạo hóa. Ở đây là một người làm nghệ thuật tôi muốn đặt vấn đề trong tác phẩm của mình nêu đúng điều tinh thần giá trị cần nêu. Theo tôi nghĩ tình yêu đồng tính nó là vấn đề tự nhiên. Đề tài tình yêu đồng tính, thân xác và nhục dục là những vấn đề của đời sống đô thị hiện nay. Sự biến đổi về nhu cầu thể xác đang tăng lên mãnh liệt, và tình dục hướng đến những suy nghĩ không tưởng, tạo nên một làn sóng biến đổi mãnh liệt trong xã hội con người”.

.Love7 (*)

.

Và trực diện nhưng nhẹ nhàng tình cảm với cái nhìn nhân bản trong cách thể hiện của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Kim Hoàng.

Hình của Nguyễn Kim Hoàng ( photo Himiko. Nguyễn )

Khác với sự biểu hiện về kỹ thuật tranh vẽ truyền thống của Lý Trần quỳnh Giang và Trương Tiến Trà, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Kim Hoàng ( himiko. Nguyễn ) lại chọn loại hình nghệ thuật mới để đi sâu vào thế giới thứ ba ở khía cạnh tâm lí, tình cảm. Chị bắt đầu về đề tài này từ hai năm trước, trong chuyến đi tham dự l festival performance mùa hè giữa các nghệ sỹ châu Á và Trung Nam Mỹ qua 4 thành phố tại Nhật Bản. “ Góc khuất yêu thương”, tên chủ đề trình diễn của chị, nói về tình yêu sâu sắc thầm lặng của những tâm hồn đồng điệu nhưng không thể có được hạnh phúc lứa đôi bởi những mặc định khắt khe trong xã hội. Lần đầu tiên đến với loại hình trình diễn mà lại đi vào chủ đề phức tạp, dù có vài lúng túng trong cách thể hiện, tác phẩm trình diễn của Hoàng vẫn mang một sắc thái biểu cảm rõ nét. Hình ảnh người con gái im lặng đắp mặt nạ bắng sáp nóng lên mặt mình, ngồi cách một người con gái qua những ngọn nến và mặt bàn, được hòa thành một qua cái bóng chiếu lên tường, với những dòng chữ làm nền chạy suốt : “ Tôi nhớ bàn tay Em, mềm và ấm”, “Tôi muốn ôm Em, nhưng…” “ Giá như Em là đàn ông!” “ Em hãy đi đi, tôi không mang lại được điều gì cho Em cả”, “Đành kiếp sau vậy”.v.v… xoáy lòng cảm giác người xem. Chuyến đi qua bốn thành phố là bốn cuộc trình diễn về những xung đột nội tâm, những dồn nén yêu thương, những quay quắt chối mình, được thôi thúc thực hiện từ những quan sát lắng nghe về tình yêu đã tan vỡ của những người bạn đồng giới. Và tác phẩm của chị đã chạm được vào càm xúc của những khán giả Nhật Bản.

Nhưng đó cũng chỉ là một chuyến đi thử nghiệm thầm lặng. Và chị đã tiếp tục đề tài này bằng một loại hình tương tác gần gũi hơn qua triển lãm sắp đặt mang tên Thế giới đa nguyên. Chuẩn bị trước trong vòng bốn tháng bằng việc lần lượt viết lên những suy nghĩ, trao đổi, trò chuyện xoay quanh vấn đề này trên blog được lập riêng cho dự án. Không tuyên ngôn, không ồn ào, không cổ súy, chỉ đơn giản là đưa ra một nhận định như quan điểm của chị. Rằng với quan điểm đồng tính là vi phạm thuần phong mỹ tục, là bệnh hoạn, là phản cảm, con người vốn đã cô đơn, thì nỗi cô đơn phải tranh đấu giữa yêu thương và trách nhiệm trong cuộc sống của những người đồng tính như bị lồng vào thêm một chiếc lồng, giữa những quan điểm khắt khe, càng khiến họ nghẹt thở hơn, và chẳng dám sống thật với chính bản ngã của mình.

Những bức ảnh trong tác phẩm sắp đặt của chị, là hình ảnh của rất nhiều người cùng giới nắm tay nhau đi trên đường phố. Họ là ai, đồng tính hay dị tính? Không làm sao có thể biết được, chỉ có thể nhận thấy đó là hình ảnh ấm áp yêu thương. Qua góc nhìn của chị, đồng tính hay dị tính, cũng chỉ là một điều tự nhiên trong cuộc sống, và thuộc về thế giới riêng của mỗi con người.

Chị bảo, có một lần, ở Hàn Quốc, chị đi sau một cặp đồng giới nắm tay nhau bước xuống đường hầm. Khi vừa bước vào, có cảm giác như đó là một con đường chật hẹp không có lối ra. Nhưng khi bước xuống hẳn, thì thấy ánh sáng ở cuối con đường. Tác phẩm sắp đặt của chị là sự tái hiện lại con đường hầm đó, trên đó, được đính chồng chéo đan xen hơn 200 hình ảnh những bàn tay nắm chặt nhau, những gương mặt bừng sáng. Đó là hình ảnh một con đường, một lối đi được chị đưa ra như là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Rằng, có nhiều thế giới xen kẽ nhau trong vũ trụ. Ai cũng có quyền lựa chọn mình sẽ sống ở thế giới nào. Về cơ bản trong cuộc sống và đóng góp xã hội, chẳng có gì phân biệt họ trong trách nhiệm làm người. Riêng về yêu thương, đó là thế giới hạnh phúc của riêng mỗi con người.

Tác phẩm sắp đặt triển lãm tại Hàn Quốc và HCMC

Những góc nhìn mở

Thế giới thứ ba vốn là một đề tài nhạy cảm được khai thác gây sốc câu khách trong lĩnh vực khác như báo chí, điện ảnh và tiểu thuyết đã không bị phiến diện qua cách thể hiện tác phẩm của ba tác giả đại diện cho Mỹ thuật trẻ Việt Nam kể trên. Dù táo bạo hay lặng lẽ hay day dứt, ở góc độ nào đi nữa, các tác giả cũng chỉ nói lên một quan điểm cá nhân, qua đó, đặt người xem phải đối diện với những suy nghĩ, nhìn nhận về một thế giới thứ ba vẫn đang tồn tại song song như một điều hiển nhiên không thể xóa bỏ của tạo hóa, và tự có nhận định riêng mình.

Nhưng, đề tài nhạy cảm này cũng không được các nghệ sĩ mặn mà lắm, có lẽ, vì khó nuốt. Việc xâm nhập thực tế, tiếp xúc với những con người trong thế giới ấy không phải là điều dễ dàng. Hoàng kể, có lần, chị liên hệ với 1 mod diễn đàn lesbian đề nghị giới thiệu chọn lọc những bài viết hay để chị post lên blog về những ưu tư trăn trở giữa yêu thương và trách nhiệm, một góc nhìn khác, lặng lẽ, không ồn ào xô bồ như cái nhìn mọi người thường nghĩ về thế giới thứ 3. Nhưng người quản lý diễn đàn ấy e ngại không chịu hợp tác, và đòi chị phải giải trình rằng sẽ làm gì, làm gì… Và không những thế, nghệ sĩ còn phải đối diện với những nghi vấn thường tình của dư luận, rằng, anh (chị) có phải là người đồng tính không mà lại dấn sâu và bỏ nhiều thời gian để theo đuổi nó. Với Giang, có lẽ chỉ là nụ cười khinh bạc và bỏ mặc câu hỏi lơ lửng đó, bởi cô có nhiều nỗi bận tâm sáng tác hơn là phải giải quyết sự tò mò soi mói của kẻ khác (thay bằng : có lẽ chỉ là sự im lặng bởi cô có nhiều nỗi bận tâm sáng ) Với Trà, cách thể hiện bình đẳng trong việc thể hiện đã là một sự ngang nhiên bước qua mọi nghi vấn (thay bằng : cách thể hiện bình đẳng trong việc thể hiện đã là sự đồng cảm ). Còn Hoàng? Với tôi, cuộc sống là một kho tàng những đề tài khai thác không bao giờ hết, không bao giờ cũ những xung đột nội tâm. Tôi làm dư án này theo cách thể hiện suy nghĩ, góc nhìn của tôi, qua đó, đặt ra vấn đề cho những người xung quanh tôi nhìn lại. Và, cho chính những người trẻ trong thế giới thứ 3 hiểu rằng, để có được hạnh phúc, đều phải lựa chọn bằng cách sống của mình. Hạnh phúc cũng không là điều dễ dàng, vì, sống như thế nào, yêu người ra sao, đều là những ưu tư trăn trở chung của con người, chứ cũng không thuộc về bất kì giới tính nào cả.”

Vy Thụy

(*)trích từ bài viết: "Đáp lời Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu" của Đỗ Lai Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét