Tạo hóa phân chia giới tính, con người lựa chọn yêu thương

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

“Cần công nhận người đồng giới trước khi cho họ kết hôn!”



SGTT.VN - Xung quanh vấn đề gây không ít tranh cãi hiện nay – chấp nhận hôn nhân đồng giới, TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia nam khoa, đã trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị góc nhìn của ông.
Bộ Y tế Việt Nam ủng hộ chuyện hôn nhân đồng giới. Là một chuyên gia nam khoa, ông nhìn nhận chuyện này như thế nào?
Qua báo chí tôi biết bộ Y tế ủng hộ chuyện hôn nhân đồng giới với hình thức là không cấm hôn nhân giữa những người đồng giới tính. Vấn đề quan trọng ở đây, theo tôi, không phải là chuyện có cho phép, hay cấm hay không cấm hôn nhân đồng giới, mà từ thông điệp này có thể hiểu rằng những người có khuynh hướng tình dục đồng giới tính (xin gọi tắt là người đồng giới) được chính thức công nhận họ là những người bình thường như mọi người, không phải là “bệnh nhân”, người “sinh tật”, “ăn chơi trác táng”, “a dua” như suy nghĩ hiện nay của không ít người. Vì vậy, song song với việc không cấm hôn nhân đồng giới, điều tôi mong chờ hơn là bộ Y tế hay một cơ quan nào đó ra văn bản xác nhận thành phần thiểu số đồng tính trong xã hội là những người-bình-thường-về-mặt-y-học. Từ năm 1973, hội Tâm thần học Hoa Kỳ không còn xem tình dục đồng giới là bệnh và tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không xem tình dục đồng giới là bệnh từ năm 1992.
Ở một số nước trên thế giới, hôn nhân đồng giới không còn là chuyện bất thường, nhưng ở nước ta điều này còn quá mới mẻ. Ông có băn khoăn gì khi khái niệm hôn nhân đồng giới được công khai không?
Băn khoăn của tôi là các phương tiện truyền thông đề cập về tình dục đồng giới khá chung chung, không phân biệt rõ các nhóm khác nhau giữa các người cùng giới yêu nhau. Xét về mặt khuynh hướng tình dục, nôm na là bạn tình, thì có những dạng sau (xem bảng):
Trong bốn nhóm này, người tình dục khác giới chiếm đa số trong xã hội (theo thống kê nước ngoài, họ chiếm 95 – 97% dân số). Trong khi đó, người tình dục lưỡng giới thì không bận tâm về chuyện luật pháp có công nhận họ hay không, mà là việc người hôn phối của họ (hay bạn tình ruột) có đồng ý cho phép họ có quan hệ tình dục với người khác, cùng giới tính hay không.
Rắc rối lớn ở đây là sự khác biệt cơ bản giữa những người đồng giới và những người chuyển giới tính. Trong khi những người đồng giới không có những cảm giác bất thường về hình thái học của thân thể và cơ quan sinh dục của họ, thì những người chuyển giới tính tin rằng họ là thành viên của giới tính kia và mong ước được chuyển qua giới tính kia. Nói cách khác, người đồng giới thì không cần điều trị (vì có bệnh gì đâu mà chữa), còn những người chuyển giới tính thì cần được chữa trị.
Vì vậy, mặc dù thông tin không cấm hôn nhân đồng giới đã là một tin vui rất lớn với những người đồng giới, tôi nghĩ cần có thêm văn bản công nhận tình dục đồng giới không phải là bệnh và có sự phân biệt rõ giữa tình dục đồng giới với chuyển giới tính.
Người đồng giới không có gì bất thường, vậy giải thích thế nào khi người giới này chỉ quan tâm đến giới của họ chứ không phải giới kia?
Chuyện này tôi không giải thích được bởi vì chưa ai đưa ra lý lẽ, chứng cứ thuyết phục vì sao lại có chuyện tình dục đồng giới. Đã có cả trăm, ngàn bài báo khoa học nói về chuyện “nguyên nhân của đồng giới” nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Xưa kia, người ta cho đó là bệnh tâm thần, do yếu tố văn hoá, môi trường, giáo dục v.v... Gần đây, người ta tin đồng giới là do yếu tố sinh học. Tôi đồng tình với ý kiến của các tác giả trong bài báo khoa học: Male homosexuality: nature or culture?, đăng trên tạp chí Journal of Sexual Medicine, năm 2010, tờ số 7. Các tác giả cho rằng nam đồng giới do nhiều yếu tố sinh học gây ra, nhưng có một số trường hợp có thể do các yếu tố môi trường đặc biệt. Khi tiếp xúc với người đồng giới ở phòng khám, tôi thấy hầu hết là bẩm sinh, một vài trường hợp có thể có yếu tố hoàn cảnh.
Tuy nhiên, về góc độ khoa học, người ta cũng lo lắng khi chứng minh hôn nhân đồng tính dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ.
Bất cứ một nhóm dân số nào cũng có vấn đề riêng về sức khoẻ của nhóm đó. Chẳng hạn trẻ em có bệnh nhi khoa, người cao tuổi có bệnh lão khoa. Những bệnh riêng này đã có rồi cho dù họ sống độc thân (nhưng đâu phải độc thân là không có quan hệ tình dục), hay sống chung không chính thức (hôn nhân không được công nhận), sống chung chính thức (hôn nhân được công nhận). Tại sao sinh viên y được học về chẩn đoán, chữa trị, dự phòng các bệnh của trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, nhưng lại không được học về các bệnh riêng của những người đồng giới? Nếu các thầy thuốc nắm được các bệnh riêng của nhóm người này, những người đồng giới sẽ được bình đẳng như mọi nhóm người khác: được hướng dẫn dự phòng, chữa trị và hưởng lợi từ các tiến bộ của y học.
PHAN SƠN (THỰC HIỆN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét