Tạo hóa phân chia giới tính, con người lựa chọn yêu thương

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

"Đáp lời Sphinx hay cội nguồn..." (*)

......

5.

Tình yêu đồng giới, xét từ nguồn gốc và bản chất, là tự nhiên, sản phẩm hoặc một dạng thức của tự nhiên. Platon, một hiền triết Hy Lạp cổ đại, trong luận văn Bữa tiệc cho rằng, loài người tự cổ xưa có ba giới là nam - nam, nữ - nữ và nam nữ. Họ có bốn tay, bốn chân, hai đầu và, vì thế, rất khỏe nên nảy sinh ý định chống lại thần Zeus. Vị thần của các vị thần này bèn nổi giận và cắt đôi họ ra thành hai nửa riêng biệt. Các nửa này suốt đời kiếm tìm nhau để hợp một. Những nửa trước đây vốn là hợp thể nam -nữ thì chỉ tìm người dị giới, còn các nửa trước đây là nam - nam hoặc nữ - nữ thì chỉ say mê với cái nửa đồng giới kia của mình. Tình yêu đồng giới khởi nguồn là như vậy.

Huyền thoại trên khẳng định rằng con người, về mặt sinh học, vừa là đồng giới vừa là dị giới. Điều này rất phù hợp với những phát hiện của bào thai học. Đứa trẻ khởi nguyên là một thể lưỡng tính. Chỉ khi phát triển đến một giai đoạn nào đó thì nó cũng mới trở thành phái tính. Nhưng dù là trai hay gái hoặc sau này là đàn ông hay đàn bà thì nó cũng không bao giờ xóa bỏ hết được dấu vết của nửa kia của nó, cả ở cạnh khía giải phẫu lẫn cạnh khía tâm lý. Bởi thế, C.G. Jung cho rằng trong chiều sâu tâm lý, con người có cả hai yếu tố nam nữ.

Trong người đàn ông thì có linh âm (anima), còn trong người đàn bà thì có linh dương (animus). Suốt đời người đàn ông sẽ đi tìm ở những người đàn bà cái anima của mình, tức Người Đàn Bà Vĩnh Cửu (V.Soloviev), Nữ Tính Vĩnh Hằng (A.Blok), hoặc Gái Muôn Đời (Đinh Hùng). Còn người đàn bà thì thường đi tìm animus của mình ở một người đàn ông nào đó. Nhưng nếu linh âm ở người nam không may (hoặc may?) lại mang đậm nam tính, hoặc linh dương ở người nữ lại mang đậm nữ tính, thì họ sẽ đi tìm nửa kia của mình ở những người đồng giới.

S. Freud thì lại cho rằng, đứa trẻ sau khi vượt qua được giai đoạn Oedipe, tức tình yêu của bé (trai hoặc gái) hướng tới thân sinh khác giới (mẹ hoặc cha) của mình và trước khi đứa trẻ ấy biết hướng tình yêu của mình vào những đứa trẻ khác giới cùng lứa để trở thành một nhân cách hoàn chỉnh, thì trong thời gian trung chuyển đó nó rất thích những người cùng giới. Và, nếu vì một lý do tâm - sinh lý nào đó, đứa trẻ không vượt qua được bước đi ngắn ngủi mà quan trọng này thì suốt đời nó sẽ bị cầm tù trong tình yêu đồng giới.

Như vậy, tình yêu đồng giới nhìn chung là bẩm sinh, là tự nhiên. Nhưng cũng có thứ tình yêu đồng giới do văn hóa. Những gia đình hiếm muộn con trai thường bắt con gái mặc giả trai, giáo dục kiểu con trai, dần dà em bé tập nhiễm nam tính nên khi trưởng thành đâm ra yêu con gái. Hoặc trong những thế giới khép kín chỉ toàn nam hoặc toàn nữ như trường học nội trú, nhà tu, nhà tù, quân đội thì tình yêu đồng giới càng dễ nảy sinh.

Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng có hai cô gái Ngẫu quan và Nhụy quan thường một đóng vai đào một đóng vai kép nên đã yêu nhau. Hiện tượng này lại được đạo diễn điện ảnh Trần Khải Ca dựng lại trong Bá vương biệt cơ, nhưng lần này thì cả hai đều kép, một vào vai Sở Bá vương và một vào vai ái thiếp Ngu Cơ. Tình yêu đồng giới do hoàn cảnh, thì khi hoàn cảnh mất đi tình yêu cũng mất. Nhưng cũng có khi hoàn cảnh thay đổi mà tình yêu vẫn còn, ấy là vì hoàn cảnh ấy không phải là nguyên nhân mà chỉ là điều kiện, là cái cớ cho xuất hiện một xung lực bản năng mạnh mẽ hơn, bền lâu hơn.

Tình yêu đồng giới ban đầu được xã hội thừa nhận, coi đấy như một bản chất tự nhiên của con người. ở thời cổ Hy Lạp đồng tính nam phát triển rất mạnh, thậm chí còn được tôn vinh. Các hiền triết như Socrate, Platon, Aristote đều có bồ trai là học trò. Điêu khắc Hy Lạp, vì thế, rất tôn sùng cơ thể đàn ông. Sau thời phóng dục này lại đến thời cấm dục Cơ đốc giáo, đồng tính luyến ái bị coi là phản tự nhiên, bệnh hoạn và bị xử phạt nghiêm khắc.

Rồi đến thời Phục hưng với chủ nghĩa nhân văn, tình yêu đồng giới lại được nới lỏng. ở Trung Hoa cũng vậy, thời Thương Chu quan niệm về tình dục rất gần với tự nhiên, nên con người được buông thả, nhiều tư liệu có ghi chép các hiện tượng luyến ái đồng tính. Thậm chí, đến đời Hán, dù Nho giáo đã trở thành chính thống, các hoàng đế đều vẫn chọn một số trai đẹp làm đối tượng tình dục. Nhưng từ đời Tống trở đi thì vấn đề tính dục nói chung và đồng tính luyến ái nói riêng lại bị thít chặt. Như vậy, tình yêu đồng giới từ xưa đến nay, từ Tây sang Đông đều*có và dao*động theo con lắc lỏng - chặt - lỏng - chặt.

6.

Xuân Diệu sống trong một thời kỳ chặt. Xã hội Việt Nam tuy bước vào buổi Âu hóa, những ảnh hưởng của Nho giáo còn rất nặng nề. Tống nho phân biệt chính tà rất nghiêm ngặt. Đặc biệt trong lĩnh vực tình yêu, tình dục. Tình dục chỉ được coi là chính dâm khi thực hành trong hôn nhân và nhằm mục đích sinh con đẻ cái. Còn hết thảy đều là tà dâm. Tình yêu cũng vậy. Chỉ chính đáng trong hôn nhân và giữa vợ với chồng.

Tình yêu đồng giới, vì thế, là không được phép. Trái với tự nhiên đã đành, mà trái cả với xã hội. Thậm chí, ngay châu Âu lúc này hãy còn rất bảo thủ về mặt tình dục. Nhiều tiểu thuyết của H. Miller và D.H. Lawrence chỉ được phát hành ở Cựu Lục Địa sau cuộc Cách mạng Tình dục tháng Năm 1968. Bởi thế, tình yêu đồng giới bị đặt ra ngoài lề.

Tuy nhiên, thời Xuân Diệu còn là thời của chủ nghĩa lãng mạn. Thời đề cao cái tôi cá nhân cá thể. Hứng khởi lãng mạn đã khuyến khích con người sống hết mình. Để khẳng định bản ngã, người thời ấy không chỉ nương theo xã hội, mà còn dám bất chấp xã hội. Là đứa con của thời đại, Xuân Diệu trước hết là người lãng mạn. Ông có khát vọng thành thực, trước hết là thành thực với bản thân. Bởi thế, hẳn ông dám nói về tình yêu đồng giới của mình.

Thực ra, tình yêu đồng giới là tự nhiên và bình thường. Nhưng vì xưa nay, số người đồng tính bao giờ cũng ít hơn số người dị tính, nên họ bị coi là thiểu số. Mà thiểu số thì bao giờ cũng chịu áp lực của đa số. Thế là, dưới áp bức của số đông, số ít ấy trở nên không bình thường, tức bệnh hoạn. Người ta sợ, ghét và xa lánh họ. Nhưng người đồng tính hẳn không nghĩ thế, vì họ coi mình là tự nhiên, là bình thường. Họ đòi quyền được bình đẳng với đa số. Bởi thế, những kẻ thiểu số này có nhu cầu phải nói ra để được cảm thông và được thừa nhận. Và Xuân Diệu đã nói!

Khát vọng nói ra một sự thật, dù cái sự thật ấy, trong mắt kẻ khác, là sự bất toàn của chính người nói. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện một anh thợ cắt tóc phát hiện ra ông vua nọ có cái tai lừa. Nhà vua cấm anh ta không được nói cho ai biết. Cất giữ sự thật trong im lặng, anh ta không chịu nổi, nhưng nói ra thì lại sợ mất đầu. Người thợ cắt tóc bèn đào một cái hố dưới một khóm cây ven đường, rồi nấp vào đó nói vọng ra: "Nhà vua có đôi tai lừa! Nhà vua có đôi tai lừa!" để người qua đường biết được điều ấy nhưng sẽ tưởng cây nói. Như vậy, biết được một sự thật, tức một thông tin quan trọng nào đó, thì không thể không nói cho người khác biết. Thông tin, đó là nhu cầu sống còn của mọi vật sống, huống hồ con người còn có một công cụ truyền thông tuyệt vời là ngôn ngữ.

...

(*)trích từ bài viết: "Đáp lời Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu" của Đỗ Lai Thúy
(nguồn:
http://www.vnn.vn/vanhoa/2007/10/747345/)

...

*{lỗi chính tả} bản viết là "điều có" và "giao động"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét